Chủ nhật, 24 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Khủng hoảng gạo ở Philippines gióng lên cảnh báo lạm phát lương thực toàn cầu

Chủ nhật, 10/09/2023 | 17:26
[G-News24/7] -

(KTSG Online) – Lạm phát giá gạo Philippines tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần 5 năm vào tháng 8, làm sống lại ký ức về cú sốc giá gạo năm 2018, khiến Manila chấm dứt giới hạn nhập khẩu kéo dài hai thập niên. Giá gạo tăng mạnh ở Philippines là lời cảnh báo đối với các nhà nhập khẩu lương thực lớn khác khi hậu quả từ các hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ tiếp tục lan rộng khắp châu Á và Tây Phi.

  • Thị trường gạo châu Á tiếp tục căng thẳng sau khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu
  • Doanh nghiệp Philippines đồng loạt xin hủy hợp đồng, thị trường lúa gạo Việt sẽ ra sao?
Giá gạo bán lẻ ở một cửa hàng thực phẩm ở hành phố Quezon, Philippines hồi tháng 8 trước khi chính phủ áp giá trần. Ảnh: ABS-CBN

Dữ liệu công bố vào đầu tuần cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Philippines tăng 5,3% trong tháng 8, cao hơn mục tiêu 2-4% của chính phủ và phá vỡ chuỗi suy giảm kéo dài sáu tháng.

Giá gạo tăng vọt lên 8,7% trong tháng 8 từ mức 4,2% của tháng trước, do giá bán lẻ tăng. Gạo tính chiếm khoảng 9% trong rổ hàng hóa và dịch vụ dùng để theo dõi CPI. Trong tuần này, Ngân hàng trung ương Philippines (BSP) cảnh báo sẵn sàng tiếp tục thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát nếu cần

“Chúng tôi đang chứng kiến rất nhiều điều không chắc chắn. Áp lực giá gạo trở nên trầm trọng hơn bởi những hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ”, Shirley Mustafa, nhà kinh tế tại Tổ chức Nông lương (FAO) của Liên hợp quốc, nói

Kể từ tháng 7, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng phi basmati, đồng thời áp thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ. Động thái này làm đảo lộn thị trường, khiến các nước nhập khẩu phải sốt sắng đảm bảo nguồn cung khi họ cố gắng kiềm chế giá gạo ngày càng tăng, gây áp lực lên lạm phát. Gạo là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống hàng ngày của hàng tỉ người trên khắp châu Á và châu Phi.

Manila quyết định áp giá trần đối gạo trên toàn quốc kể từ ngày 5-9 do giá gạo bán lẻ tăng “đáng báo động” và xuất hiện những thông tin về tình trạng tích trữ đầu cơ của các thương nhân buôn gạo. Biện pháp gây tranh cãi này này dẫn đến sự sa thải của một quan chức tài chính.

Hôm 7-9, Thứ trưởng Bộ Tài Tài chính Philippines Cielo Magno cho biết bà sẽ từ chức. Bà không nói rõ nguyên nhân từ chức nhưng quyết định này được đưa sau khi bà đăng một bài viết trên Facebook với hàm ý phản đối chính sách giá trần đối với gạo. Bài viết của bà có đăng bức ảnh về biểu đồ quy luật cung cầu, theo đó nguồn cung tăng lên sẽ giúp kìm hãm giá, ngược lại giá sẽ tăng nếu nhu cầu vượt quá nguồn cung. Về lý thuyết kinh tế, việc đặt ra giới hạn giá bắt buộc sẽ làm tăng cầu và giảm cung, dẫn đến tình trạng thiếu hụt.

Magno được cho là đã từ chức theo yêu cầu của Bộ trưởng Tài chính Benjamin Diokno. Bà đã tỏ ra thẳng thắn khi phản đối áp trần giá gạo trong các cuộc thảo luận với các quan chức chính phủ vào đầu tuần này.

Cơ quan Kinh tế và Phát triển quốc gia Philippines (NEDA) ủng hộ chính sách giá trần, ngụ ý rằng giá gạo bán lẻ tăng lên mức 60 peso (25.400 đồng VN) /kg là kết quả của việc thao túng giá. NEDA cho rằng giá trần sẽ làm “giảm ngay lập tức” giá gạo.

Trong khi đó, các nhà bán lẻ gạo phàn nàn về quyết định áp dụng giá trần quá vội vàng. Họ nói rằng chính sách này sẽ khiến họ thua lỗ do họ đã mua tích trữ với giá cao trước đó.

Sắc lệnh của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr áp giá trần giá gạo xay xát thường ở mức 41 peso/kg và 45 peso/kg đối với gạo xay xát kỹ. Trong khi đó, Hiệp hội các nhà bán lẻ ngũ cốc Philippines cho biết, giá vốn mua gạo xay xát kỹ của họ đã là 49 peso/kg. Để tránh thua lỗ, các nhà bán lẻ có thể găm nguồn cung gạo của họ cho đến khi giá trần được dỡ bỏ.

Chủ tịch Hạ viện Philippines Martin Romualdez cho biết chính phủ đang xem xét phân bổ 2 tỉ peso để hỗ trợ cho các nhà bán lẻ bị ảnh hưởng bởi chính sách giá trần.

Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính gặp nhau bên lề hội nghị Cấp cao ASEAN ở Jakarta, Indonesia trong tuần này. Sau cuộc gặp, Văn phòng Tổng thống Philippines cho biết hai bên sẽ thảo luận cho một thỏa thuận liên chính phủ có thời hạn 5 năm để mua gạo Việt Nam.

Gạo là lương thực chính của 110 triệu dân Philippines. Nguồn cung trong nước không đủ, khiến Philippines trở thành một trong những nước nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Senegal đang thương lượng ngoại giao với Ấn Độ để được miễn trừ khỏi lệnh cấm xuất khẩu gạo. Các nước khác bao gồm Guinea và Singapore cũng theo đuổi giải pháp ngoại giao tương tự để đảm bảo nguồn cung gạo.

Gần đây, Indonesia ký thỏa thuận mua gạo của Campuchia lần đầu tiên sau hơn một thập niên. Theo đó, Indonesia sẽ mua gạo của Campuchia với khối lượng lên tới 250.000 tấn mỗi năm, gấp đôi khối lượng trong một thỏa thuận tương tự vào năm 2012. Jakarta đã cam kết cung cấp 10 kg gạo mỗi tháng cho hàng triệu gia đình nghèo trong quí 4 năm nay.

Các nước khác đang triển khai các biện pháp để ngăn chặn giá gạo tăng nhanh. Bộ Nông nghiệp và An ninh lương thực Malaysia cho biết, bắt đầu từ ngày 8-9, mỗi người dân ở Malaysia chỉ có thể mua tối đa 10 bao gạo 10kg mỗi năm, tương đương 100kg.

Động thái này nhằm giải quyết tình trạng thiếu gạo trắng trên thị trường. Giới chức trách Malaysia cũng tiến hành kiểm tra các nhà bán buôn và nhà xay xát thương mại sau khi có những cáo buộc cho rằng giá gạo sản xuất trong nước đang được bán dưới dạng gạo nhập khẩu với giá cao hơn. Myanmar đã áp đặt một hệ thống bắt buộc ghi lại khối lượng gạo dự trữ để kiểm soát giá trong nước và ngăn chặn tình trạng đầu cơ.

Sức nóng trên trường trong gạo đã hạ nhiệt một chút trong tuần này khi giá gạo châu Á giảm nhẹ do người mua ngần ngại ký kết các giao dịch mới. Tuy nhiên, giá vẫn gần mức cao nhất kể từ năm 2008.

Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được báo giá ở mức 525 -535 đô la/tấn, thấp hơn một chút so với mức cao kỷ lục 520 -540 đô la hồi tuần trước.

Một nhà xuất khẩu của Ấn Độ cho biết: “Thuế xuất khẩu đối với gạo đồ khiến giá tăng cao, khiến người mua không chấp nhận”.

Trong khi đó, nước láng giềng Bangladesh có kế hoạch sớm dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo thơm do dự trữ nội địa tốt và vụ mùa kỷ lục, một quan chức của Bộ Thương mại Bangladesh cho hay.

Bangladesh thường xuất khẩu một lượng nhỏ gạo thơm sang Mỹ, Anh và Trung Đông.

Hôm 7-9, giá gạo trắng 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 630-640 đô la/tấn, mức thấp nhất trong một tháng và giảm từ mức 640-650 đô la vào tuần trước. Một nhà kinh doanh gạo ở TPHCM cho rằng giá giảm để cung có thể đáp ứng cầu vì người mua không sẵn sàng trả giá cao.

Giá gạo trắng 5% tấm của Thái Lan cũng giảm xuống còn 620 đô la/tấn từ mức 635 đô la vào tuần trước. Một thương nhân ở Bangkok cho biết nguồn cung đang dần được tung ra và giá gạo giảm do đồng baht yếu hơn.

Theo Bloomberg, Reuters, Rappler

g-news247