Động thái trên được Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) đưa ra trước kỳ nghỉ lễ 2/9 kéo dài 4 ngày để hạn chế ùn tắc.
Theo VEC E, sau khi cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thông xe cách đây 4 tháng, lượng xe qua cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây ngày càng tăng cao. Trong đó, đoạn từ An Phú đến nút giao với tuyến Dầu Giây - Phan Thiết bình quân mỗi ngày là 58.000-62.000 lượt, cao điểm tăng lên 70.000-73.000, vượt gần gấp đôi năng lực khai thác.
Đơn vị quản lý cao tốc TP HCM - Long Thành cũng khuyến cáo lái xe chú ý giảm tốc độ, giữ khoảng cách an toàn để tránh nguy cơ xảy ra va chạm trên tuyến.
Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55 km, đi qua TP HCM và Đồng Nai, khai thác giai đoạn một năm 2015, tổng mức đầu tư 20.600 tỷ đồng. Những năm gần đây, tuyến thường quá tải các dịp cuối tuần và lễ, tết do lượng xe dồn đến rất lớn.
Cuối tháng 4, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 99 km, kết nối trực tiếp với cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng, nối hai tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận được thông xe. Tuyến đường này giúp rút ngắn một nửa hành trình từ TP HCM đến Phan Thiết - Mũi Né còn khoảng 2-2,5 giờ, trở thành lộ trình chính từ thành phố đến trung tâm du lịch trên.
Hồi tháng 10/2022, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đề xuất tự bố trí 14.700 tỷ đồng mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành lên 8-10 làn xe. VEC kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải giao đầu tư mở rộng đoạn từ nút giao vành đai 2 TP HCM đến nút giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 21,9 km. Trong đó, từ nút giao Vành đai 2 đến Vành đai 3 mở rộng lên 8 làn xe; từ Vành đai 3 đến nút giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu lên 10 làn xe.
Tổng mức đầu tư sơ bộ là 14.780 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng), trong đó chi phí xây dựng gần 10.800 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng gần 800 tỷ đồng, quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác hơn 1.000 tỷ đồng, dự phòng hơn 2.100 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ quý 4/2022 đến quý 1/2026.
Gia Minh