Vừa qua, thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21 tháng 10 năm 2022 của Ban Bí thư về tăng cường công tác an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Quyết định số 426/QĐ-TTg ngày 21 tháng 4 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW, Bộ Công Thương đã tổng kết tình hình thực hiện và đề xuất chính sách mới dự kiến đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
Luật An toàn thực phẩm tạo hành lang pháp lý toàn diện và tương đối đầy đủ
Theo đó, Bộ Công Thương nhận định, Luật An toàn thực phẩm đã tạo hành lang pháp lý khá rõ ràng, cơ bản đầy đủ các quy định, thống nhất phân công trong công tác QLNN, khả thi trong quá trình áp dụng pháp luật về an toàn thực phẩm, góp phần thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đảm bảo an toàn thực phẩm, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội và hội nhập quốc tế.
Sau khi Luật An toàn thực phẩm và các văn bản quy đinh chi tiết, hướng dẫn thi hành được ban hành, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai dưới nhiều hình thức như: tổ chức hội thỏa, tọa đàm, trả lời phỏng vấn, vây dựng chuyên mục hỏi – đáp, tổ chức các lớp tập huấn, biên soạn tài liệu và tuyên tuyền trên các phương tiện thông tin đại chúng… Các quy định pháp luật được ban hành đúng thẩm quyền, bám sát yêu cầu quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, đảm bảo tính khả thi nên đã tạo hành lang pháp lý toàn diện và tương đối đầy đủ phục vụ công tác quản lý an toàn thực phẩm.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hệ thống pháp luật về an toàn thực phẩm của Việt Nam đã có hơn 160 văn bản QPPL do các cơ quan trung ương ban hành, trong đó có 15 văn bản Luật của Quốc hội, 42 Nghị định hướng dẫn thi hành của Chính phủ, 8 Thông tư liên tịch, 40 Thông tư của Bộ Y tế, 56 Thông tư của Bộ NN&PTNT, 15 Thông tư của Bộ Công Thương, 2 Thông tư của Bộ Tài chính để quản lý an toàn thực phẩm trong đó Luật An toàn thực phẩm là văn bản có hiệu lực cao nhất, quy đinh khá đầy đủ, toàn diện, phủ kín các đối tượng, công đoạn trong chuỗi sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu QLNN về an toàn thực phẩm; việc phân công, phân ấp trách nhiệm quản lý giữa trung ương và địa phương, giải quyết các vấn đề “giao thoa”, chồng chéo trong quản lý.
Về cơ bản, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật An toàn thực phẩm đã được ban hành đều bảo đảm tính thống nhất, đầy đủ và đồng bộ; bảo đảm tính thống nhất theo trình tự pháp lý, không trái với Hiến pháp; bảo đảm tính thống nhất trong nội tại của hệ thống pháp luật về ATTP cũng như tính thống nhất với các hệ thống pháp luật khác…
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng nhận thấy, số lượng văn bản còn quá nhiều, khó tra cứu, áp dụng trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh và thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; Một số khái niệm tại mục giải thích từ ngữ trong Luật An toàn thực phẩm chưa rõ, chưa phân biệt được các hoạt động, gây khó khăn khi triển khai thực hiện các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật An toàn thực phẩm.
Một số quy định về phân công trách nhiệm ATTP còn chồng chéo, chưa rõ ràng, một số lĩnh vực quản lý vẫn con “giao thoa” giữa các Bộ (theo quy định tại Điều 62, Điều 63 của Luật An toàn thực phẩm) hoặc giữa các Bộ và địa phương; một số nội dung còn chồng chéo, thiếu rõ ràng, một số ngành hàng không phân định rõ Bộ nào chịu trách nhiệm quản lý, một số lĩnh vực quản lý của 3 ngành Y tế, NN & PTNT và Công Thương vẫn còn mâu thuẫn trong cá văn bản dưới luật, chưa phù hợp thực tế gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Bên cạnh đó là một số Điều không còn phù hợp với Luật Đầu tư và yêu cầu cải cách hành chính cũng như thiếu văn bản hướng dẫn thế nào là tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng khiến cho rất khó chứng minh ý thức chủ quan của người phạm tội… Văn bản hướng dẫn thi hành Luật An toàn thực phẩm tập trung vào hướng dẫn kỹ thuật quản lý an toàn thực phẩm, còn ít văn bản quy định về bảo đảm nguồn lực, để thực hiện các mục tiêu an toàn thực phẩm trong Chiến lược quốc gia về an toàn thực phẩm. Thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ quản lý an toàn thực phẩm gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh thực phẩm, một số quy chuẩn kỹ thuật còn chưa rõ ràng, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Quy định về quản lý an toàn thực phẩm đối với các chợ, siêu thị; quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống, sản xuất thủ công như: miến, bún, phở, phở khô… chưa cụ thể, thiếu các văn bản hướng dẫn chi tiết…
Những kiến nghị, giải pháp nhằm hoàn chỉnh Luật An toàn thực phẩm
Với những thực tế còn hạn chế, vướng mắc nhìn nhận được trong quá trình thực thi đưa Luật An toàn thực phẩm vào cuộc sống, Bộ Công Thương đề xuất những kiến nghị, giải pháp sau:
Đối với Quốc hội, bổ sung Luật An toàn thực phẩm theo hướng đổi mới phương thức quản lý đối với cơ sở sản xuất kinh doanh và sản phẩm thực phẩm hài hòa theo quy định quốc tế, hiệu quả và khả thi nhằm phù hợp, đáp ứng các yêu cầu trong tình hình mới: có phương thức quản lý phù hợp với nhóm các cơ sở sản xuất kinh doanh chế biến thực phẩm nhỏ lẻ và sản phẩm thủ công truyền thống; sửa đổi đổi Điều 56 Luật An toàn thực phẩm nhằm quy định rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước của UBND các cấp theo hướng nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong quản lý an toan thực phẩm trên địa bàn và giao quyền chủ động hơn trong thiêt kế tổ chức bộ máy, bố trí nguồn lực… kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối từ trung ương đến địa phương…
Cụ thể, Bộ Công Thương kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Luật An toàn thực phẩm gồm: Theo Khoản 21 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định “21. Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả công đoạn của quá trình từ đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận”. Quy định này hoàn toàn khác so với quy định tại Luật An toàn thực phẩm.
Theo quy định trên, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ sẽ thuộc nhóm kinh doanh nhỏ lẻ và là đối tượng không phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Do đó, đề nghị nghiên cứu, xem xét khái niệm về sản xuất, kinh doanh thực phẩm tạo điều kiện cho các ngành triển khai thực hiện một cách thống nhất trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật An toàn thực phẩm.
Bộ Công Thương cũng đề nghị xem xét, sửa đổi khoản 4, Điều 64 “Ban hành chính sách, quy hoạch về chợ, siêu thị, quy định điều kiện kinh doanh thực phẩm tại các chợ, siêu thị” để phù hợp với thực tiễn. Các cơ sở sở kinh doanh thực phẩm tại chợ hoặc các siêu thị đều là hình thức kinh doanh thực phẩm. Luật An toàn thực phẩm và các Nghị định có liên quan đã quy định đầy đủ các điều kiện đối với cơ sở sản, xuất kinh doanh thực phẩm.
Cũng cần thống nhất quy định giữa các phương thức kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu phải được cấp Thông báo kết quả kiểm tra đáp ứng yêu cầu bởi cơ quan có thẩm quyền đề thông quan hàng hóa. Bổ sung phân công trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền thực hiện một trong ba phương thức vào Luật sửa đổi. Việc kiểm tra theo lô hàng nhập khẩu gây lãng phí của doanh nghiệp, xã hội do cùng một mặt hàng giống nhau, từ một nhà sản xuất nhưng mỗi nhà nhập khẩu đều chịu sự kiểm tra lặp đi lặp lại.
Đối với Chính phủ, Bộ Công Thương đề nghị xét chính thức thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm hoặc cơ quan chuyên ngành quản lý an toàn thực phẩm trực thuộc UBND tỉnh tại 3 tỉnh/ thành phố đã thí điểm, tổng kết, đánh giá mô hình thí điểm điểm làm cơ sở sửa đổi Luật An toàn thực phẩm. Chỉ đạo các Bộ, ngành, UBND các tỉnh/thành phố thực hiện tổng kết, đánh giá thực hiện Luật An toàn thực phẩm trên cơ sở đó đề xuất các phương án sửa đổi, bổ sung Luật An toàn thực phẩm để phù hợp với các Hiệp định, Thỏa thuận, Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia và ký kết cũng như đáp ứng được yêu cầu quản lý trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hiện nay…
Đối với UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Công Thương đề nghị chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm và ý thức tự giác chấp hành quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, chỉ đạo các cơ quan, lực lượng chức năng trên địa bàn phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường để thực hiện tốt công tác kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Đặc biệt, bố trí nguồn kinh phí phù hợp để các ngành Y tế, Công Thương, NN&PTNT và các lực lượng chức năng chi trả cho công tác nghiệp vụ nhằm xác định chất lượng sản phẩm phục vụ công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm.
Sở An toàn thực phẩm TP.Hồ Chí Minh: Nối dài cánh tay kiểm soát an toàn thực phẩm Ngô Minh