(KTSG) – Lạm phát tăng cao và kinh tế trì trệ trong nhiều quí liên tiếp đang khiến nước Đức một lần nữa phải đối mặt với nỗi ám ảnh mang tên “bệnh nhân của châu Âu”.
- Kinh tế Đức rơi vào suy thoái
- Từ bên bờ vực thẳm, kinh tế Đức nhú mầm xanh
Nỗi ám ảnh quay trở lại với kinh tế Đức
Theo CNBC, nước Đức lần đầu tiên được mô tả bằng biệt danh “bệnh nhân của châu Âu” vào năm 1998, khi đang phải vật lộn với những thách thức tốn kém của nền kinh tế hậu thống nhất. Sau hai thập kỷ, biệt danh này lại một lần nữa được nhắc đến bởi các phương tiện truyền thông, trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang đối mặt với lạm phát tăng cao và sản lượng giảm hoặc trì trệ trong ba quí liên tiếp.
Các số liệu thống kê mới đây cho thấy, lạm phát ở Đức đang nóng hơn so với hầu hết các nước láng giềng tại châu Âu. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 7 đã tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn nhiều so với mức trung bình 5,3% của Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Để kiềm chế giá cả tăng cao, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất cơ bản lên mức cao lịch sử 3,75%, và được dự báo sẽ còn thắt chặt hơn nữa. Tuy nhiên, chi phí đi vay cao hơn đã ảnh hưởng nặng nề đến lĩnh vực xây dựng nhà ở của Đức.
Một cuộc khảo sát của Viện kinh tế Ifo hồi tháng trước cho thấy, hơn 40% số công ty xây dựng được hỏi đã ghi nhận tình trạng thiếu đơn đặt hàng, vượt xa mức 10,8% của cùng kỳ năm ngoái.
Lĩnh vực công nghiệp rộng lớn hơn, với các nhà sản xuất nổi tiếng như Volkswagen và Siemens, cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Ước tính chính thức cho thấy sản lượng công nghiệp của Đức trong tháng 6 đã giảm 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, kinh tế Đức sẽ suy giảm 0,3% trong năm nay, so với mức tăng trưởng trung bình 0,9% của 20 quốc gia thuộc Eurozone. Đức cũng được dự báo sẽ là nền kinh tế duy nhất trong Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) có GDP suy giảm trong năm 2023.
Nhưng Đức liệu có thực sự là “bệnh nhân của châu Âu”?
Một cuộc suy thoái kéo dài sẽ là kết quả đáng thất vọng đối với một nền kinh tế mà chỉ mới đây, trong thập kỷ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, đã tăng trưởng trung bình 2% một năm, có thặng dư ngân sách trong phần lớn thời gian đó, đồng thời chứng kiến xuất khẩu bùng nổ.
Nhưng việc gọi Đức là “bệnh nhân của châu Âu” như vậy, liệu có thỏa đáng?
Holger Schmieding, nhà kinh tế học đầu tiên gọi Đức là “bệnh nhân của châu Âu” vào năm 1998, cho rằng làn sóng bi quan hiện nay đối với nền kinh tế nước này là có phần thái quá. Theo Kinh tế trưởng tại ngân hàng Berenberg, nước Đức hiện đang ở vị thế mạnh hơn nhiều so với thời điểm đó khiến “việc điều chỉnh trước các cú sốc kinh tế trở nên dễ dàng hơn nhiều”.
Jasmin Groeschl, nhà kinh tế cấp cao về châu Âu tại Alliazn cũng cho rằng, mặc dù kinh tế Đức đã rơi vào suy thoái trong quý đầu năm 2023, nhưng vẫn có “những khác biệt lớn” giữa quốc gia này vào thời điểm hiện tại và thời kỳ mà nước này bị coi là “bệnh nhân của châu Âu”, trong đó bao gồm cả các thách thức từ địa chính trị bên ngoài và sự suy yếu của kinh tế toàn cầu.
Các vấn đề mang tính chu kỳ ngắn hạn
Theo Carsten Brzeski, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vĩ mô toàn cầu và nhà kinh tế trưởng Khu vực Eurozone tại ING Research, một điểm khác biệt lớn giữa nền kinh tế Đức hiện nay và tình hình của nước này trong những năm 1990 và đầu những năm 2000 là những “cơn gió ngược” mang tính chu kỳ mà nước này hiện đang phải giải quyết.
Việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19 vào đầu năm nay đã không tạo ra sự phục hồi mạnh mẽ như nhiều người mong đợi. Điều này đang tác động đến các nước sản xuất trên khắp thế giới, trong khi lãi suất và giá năng lượng cao hơn cũng gây ra những ảnh hưởng lớn. “Đó là một căn bệnh rất khác so với 20 năm trước”, ông Brzeski nói với CNBC.
Tính đến năm 2021, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Đức, nhưng giờ chỉ còn là thị trường lớn thứ tư do những thay đổi lớn trong nền kinh tế này. Trung Quốc đã trở thành đối thủ cạnh tranh và đơn giản là không cần nhiều hàng hóa do Đức sản xuất như trước đây.
Cần lưu ý rằng, hoạt động xuất khẩu của Đức chủ yếu thuộc các lĩnh vực tăng giảm theo nền kinh tế rộng lớn hơn, chẳng hạn như ô tô, máy móc, công cụ và hóa chất, trong khi các quốc gia khác, như Pháp, phụ thuộc nhiều hơn vào xuất khẩu dịch vụ, vốn đang phát triển mạnh trong một nền kinh tế phục hồi hậu đại dịch.
Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, Đức báo cáo thâm hụt thương mại quốc tế là 1 tỉ euro (1,03 tỉ đô la) vào tháng 5-2022, đánh dấu sự chuyển dịch từ thặng dư sang thâm hụt thương mại.
Theo Cơ quan Thống kê liên bang Đức, ngay cả khi Đức đã quay trở lại trạng thái thặng dư thương mại với tổng trị giá 18,7 tỉ euro trong tháng 6, xuất khẩu vẫn chậm chạp. Giá trị hàng hóa của Đức xuất khẩu sang các nước trong tháng 6 chỉ tăng 0,1% so với tháng trước và giảm 1,9% so với tháng 6-2022. Đáng chú ý, xuất khẩu sang Trung Quốc trong tháng 6 giảm 5,9% so với tháng trước xuống 8,2 tỉ euro.
Rào cản về năng lượng
Một vấn đề khác là giá khí đốt tự nhiên đặc biệt quan trọng đối với các nhà sản xuất ngốn nhiều năng lượng. Giống như phần lớn các nước châu Âu, giá năng lượng tại Đức đã biến động mạnh do cuộc xung đột Nga – Ukraine. Tuy nhiên, đây cũng là một vấn đề dài hạn đối với Đức khi nước này cố gắng thực hiện Chiến lược sử dụng năng lượng hiệu quả năm 2050, bao gồm việc cắt giảm mức sử dụng năng lượng hóa thạch vào năm 2030.
Các nhà kinh tế nhận định, mặc dù đã vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng năm ngoái tốt hơn nhiều người mong đợi, nhưng Đức vẫn dễ bị tổn thương trước những cú sốc về nguồn cung khí đốt tự nhiên. Điều đó một phần là do nước này đã ngừng hoàn toàn hoạt động sản xuất điện hạt nhân, khiến cho Đức có ít nguồn năng lượng thay thế hơn so với các nước láng giềng như Pháp.
Những lo ngại về việc chi phí năng lượng cao đang khiến các công ty Đức cân nhắc việc hoàn toàn rời khỏi đất nước. Ông Siegfried Russwurm, người đứng đầu Liên đoàn Công nghiệp Đức, chia sẻ với CNBC hồi tháng 6 rằng: “Nhiều doanh nghiệp có trụ sở tại Đức đang hoạt động tốt trên toàn cầu, nhưng họ lại đang gặp khó khăn khi hoạt động trên chính đất nước mình”.
Các vấn đề mang tính cơ cấu trong dài hạn
Đi cùng với những cơn gió ngược mang tính chu kỳ ngắn hạn là những vấn đề mang tính cơ cấu, dài hạn hơn mà nền kinh tế Đức cần phải giải quyết để đất nước thoát khỏi hình ảnh “bệnh nhân của châu Âu”.
Chuyên gia Brzeski giải thích rằng, mặc dù phần lớn tình trạng khó khăn hiện tại của Đức bắt nguồn từ việc đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột ở Ukraine làm xáo trộn chuỗi cung ứng, tuy nhiên nhiều vấn đề của nước này còn trầm trọng hơn và do chính họ tự gây ra.
“Có một thực tế là Đức đã không thực hiện bất kỳ cải cách kinh tế nào trong 10 năm qua. Họ đã tụt lại phía sau trong tất cả các bảng xếp hạng quốc tế khi đề cập đến số hóa, cơ sở hạ tầng, khả năng cạnh tranh quốc tế và giờ chính phủ Đức đang dần nhận ra thực tế này”, ông Brzeski cho biết.
Joerg Kraemer, Kinh tế trưởng tại Commerzbank, khuyến cáo: “Đức cần giảm thuế doanh nghiệp, bớt quan liêu hơn, thủ tục phê duyệt nhanh hơn, đầu tư nhiều hơn vào cầu đường và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, có mức giá điện cạnh tranh và trường học tốt hơn”.
Chính phủ Đức cũng đã cho thấy họ vẫn có khả năng hành động nhanh chóng. Hồi năm ngoái nước này đã phê duyệt và xây dựng một trạm LNG trong vài tháng để giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Đức cũng đang thực hiện các bước đi cần thiết để cải cách luật nhập cư nhằm giúp giải quyết tình trạng thiếu lao động, đồng thời đẩy nhanh quá trình lập kế hoạch và phê duyệt các dự án cơ sở hạ tầng.
Khả năng thích ứng đó là điều khiến Đức khác biệt với nhiều nền kinh tế khác và có thể là do số lượng lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ có khả năng phản ứng nhanh chóng trước bối cảnh cạnh tranh đang thay đổi.
Dĩ nhiên, với rất nhiều yếu tố đang góp phần tạo nên hình ảnh “bệnh nhân của châu Âu”, Đức có thể sẽ phải vật lộn trong một thời gian nhất định để thoát khỏi tình trạng này.
Nguồn: CNBC, CNN Business, Reuters, DW