(KTSG) – Bối cảnh ngành công nghiệp ô tô đang được định hình lại, khuyến khích chuyển đổi sang phương tiện sạch hơn, đổi mới công nghệ và thích ứng với những thay đổi kinh tế – xã hội.
Trong bài viết “Cục diện mới của ngành công nghiệp ô tô…” trên KTSG bản in ngày 21-9 của tác giả Nguyễn Minh Tuấn – Nguyễn Hương Giang cho thấy công nghiệp ô tô được coi là “ngành công nghiệp của các ngành công nghiệp”, vai trò quan trọng của ngành tác động lớn đến nền kinh tế, việc làm, công nghệ và môi trường toàn cầu. Ngành công nghiệp này sử dụng hàng triệu lao động trên khắp thế giới và góp phần vào sự tăng trưởng, đổi mới và khả năng cạnh tranh của các quốc gia.
Cùng trong số báo này còn có các chuyên mục thời sự, xã hội khác…
Vẫn còn cách khác để hỗ trợ xe điện (mục Ý kiến): Không nên hỗ trợ trực tiếp bằng tiền nhưng bằng các ưu đãi khác để thúc đẩy việc chuyển đổi để góp phần giải quyết vấn nạn biến đổi khí hậu. Hỗ trợ dạng nào cũng khó tránh khỏi sự mất công bằng, vấn đề là tính toán sao cho lợi ích đem lại là cho toàn xã hội, cho tất cả mọi người.
Doanh nghiệp Việt: giỏi chống chịu nhưng khó trưởng thành (An Nhiên): “Doanh nghiệp Việt Nam giỏi chống chịu, nhưng chậm lớn, khó trưởng thành”. Đây là đúc kết của TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nêu trong Diễn đàn Kinh tế – Xã hội năm 2023 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì.
Nhà xã hội cho thuê (TS. Võ Đình Trí): Nhu cầu an cư của người lao động thì ở đâu cũng giống nhau, và bộ phận dân cư có thu nhập hạn chế là nhóm gặp nhiều khó khăn nhất. Để một xã hội phát triển hài hòa thì khoảng cách giữa các tầng lớp dân cư cần được thu hẹp và nhóm yếu thế cần được hỗ trợ, trong đó có vấn đề nhà ở.
Khi ngân hàng này cho vay để… trả nợ ngân hàng khác (Trịnh Duy Viết): Thông tư 06 mới giải quyết được bài toán giảm lãi suất đầu ra thông qua sự cạnh tranh giữa các ngân hàng để giảm lãi suất mà chưa thể giải được bài toán về tăng trưởng tín dụng, vì cho dù có sự dịch chuyển tín dụng giữa các ngân hàng nhưng tổng thể tín dụng toàn hệ thống không tăng.
Để xuất khẩu lao động không chỉ là đi… bán sức (Hoàng Hạnh): Hiện nay, tỷ lệ lao động xuất khẩu có tay nghề cao hay ở cấp chuyên gia của Việt Nam chiếm không quá 10%. Nếu không thay đổi được hiện trạng này thì Việt Nam sẽ chẳng thể biến việc xuất khẩu lao động thành một kênh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế, mà chỉ là đi ra nước ngoài để bán sức mà thôi.
Tìm hồi kết cho tranh chấp quỹ bảo trì nhà chung cư (Lưu Minh Sang): Tranh chấp quỹ bảo trì nhà chung cư diễn ra phổ biến, phức tạp và kéo dài nhưng chưa có hồi kết. Liệu việc sửa đổi Luật Nhà ở lần này có viết nên được hồi kết hay không?
Hồ Ka Pét dưới góc nhìn lợi ích các bên liên quan (Bùi Huy Bình – Trần Hương Giang): Thường những dự án có nhiều mâu thuẫn lớn là những dự án va chạm đến các giá trị lõi quan trọng đại diện cho nhiều nhóm người…
VN-Index chờ đợi lực cầu ở vùng hỗ trợ 1.180-1.200 điểm (Thanh Thủy): Về xu hướng của TTCK, sự thận trọng trước cuộc họp của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới cũng như diễn biến tăng cao trở lại của tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng trong những ngày gần đây đang gây những sức ép nhất định lên chỉ số VN-Index.
Tiếp tục điều chỉnh – Chứng khoán đang chịu những áp lực nào? (Triêu Dương): Diễn biến tỷ giá đi lên nhanh trở lại đã góp phần ảnh hưởng lên động thái bán ròng mạnh mẽ của nhóm nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán trong thời gian qua.
Lợi suất trái phiếu Việt Nam chìm sâu phản ánh điều gì? (Thụy Lê): Việc lợi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam liên tục đi xuống đã giúp Chính phủ có thể huy động vốn với chi phí rẻ hơn. Tuy nhiên, phía sau xu hướng này còn hàm chứa không ít vấn đề phản ánh thực trạng kinh tế trì trệ hiện nay.
Trước xu hướng giá hàng hóa toàn cầu leo thang trở lại… (Triệu Minh): Không ít nền kinh tế, vốn phụ thuộc vào các sản phẩm năng lượng và lương thực nhập khẩu, có thể đối mặt với áp lực giá cả đi lên trở lại hoặc phải chứng kiến lạm phát tiếp tục neo cao hơn mục tiêu đặt ra trong khoảng thời gian dài hơn.
Sớm hành động cho tăng trưởng xanh! (Quốc Hùng): Trong chiến lược đa dạng chuỗi cung ứng, các nhà bán lẻ lớn trên thế giới ngày càng tăng cường tìm kiếm nguồn hàng hóa từ Việt Nam. Vấn đề đáng chú ý với nhà cung cấp của các nhà bán lẻ toàn cầu là thời đại sản xuất, tiêu thụ sản phẩm số lượng lớn dần bị thay thế bằng thời đại chú trọng sự thân thiện với môi trường…
Street-art: từ luật… đường phố đến luật bản quyền (Lê Thiên Hương): Đối với nhiều người hâm mộ, street-art là một “phong cách sống”. Các nghệ sĩ street-art thường ít khi quan tâm tới khía cạnh khai thác thương mại, hay sự thán phục, công nhận của công chúng, mà chỉ quan tâm đến thông điệp họ muốn gửi đến xã hội – mà trong phần lớn các trường hợp là thái độ phản đối, nổi loạn.
Thời cơ để cải thiện hệ thống sở hữu trí tuệ? (Lê Vũ Vân Anh): Mỹ được xem là một nơi khác thường với rất nhiều quy tắc và luật lệ không giống ai. Vì vậy, trước khi ký kết hợp đồng đặc biệt là những hợp đồng bảo mật kinh doanh, doanh nghiệp và cá nhân phải nhận được một sự tư vấn kỹ càng.
Đừng bán doanh nghiệp một cách ngẫu nhiên và rẻ mạt (Nguyễn Ngọc Trâm): Định giá doanh nghiệp của mình trong thế giới kinh doanh liên quan đến không chỉ việc ấn định giá trị tiền tệ cho tài sản của công ty mà còn phải xác định giá trị tổng thể của nó. Quá trình này rất quan trọng để đưa ra các quyết định tài chính về công ty và đàm phán với các nhà đầu tư tiềm năng.
Hồ Xuân Vinh và cuộc đổi mới cho hạt muối Quỳnh Lưu (Đỗ Quang Tuấn Hoàng): Đem công nghệ vào sản xuất, Công ty Nanosalt của Hồ Xuân Vinh đã biến muối phơi cát sản xuất thủ công ở Quỳnh Lưu, Nghệ An thành gia vị, dược thiện hữu ích cho sức khỏe con người – giảm mặn 50%, bổ sung 60 vi khoáng.
Quảng cáo “Yêu cầu liên doanh” cản trở cạnh tranh lành mạnh (Nguyễn Văn Phúc – Nguyễn Nhật Dương): Yêu cầu liên doanh trong lĩnh vực quảng cáo không thực sự bảo vệ được doanh nghiệp quảng cáo trong nước mà ngược lại gây cản trở trong cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp quảng cáo.
Khi nhà bán lẻ toàn cầu tìm mua hàng Việt Nam nhiều hơn nhưng cũng yêu cầu phải xanh hơn (Quốc Hùng): Các nhà bán lẻ lớn trên thế giới đang đến Việt Nam tìm nguồn hàng, mở rộng danh sách hàng hóa cũng như tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam bằng cách mở văn phòng đại diện… Chưa biết các nhà cung cấp Việt Nam có nắm bắt kịp cơ hội bán hàng toàn cầu này hay không nhưng có điều chắc chắn là các vị khách hàng nói trên mang đến cơ hội cùng những yêu cầu chất lượng khắt khe.
110 triệu đô la Mỹ và giá trị của sự chuyên nghiệp (Minh Tâm): Tái cấu trúc theo hướng chuyên nghiệp, chuẩn chỉnh, một doanh nghiệp hàng đầu ngành gỗ công nghiệp nhận quả ngọt ngay từ lần đầu gọi vốn.
Buộc ô tô gắn thiết bị giám sát để quản lý có cần thiết không? (Mục Nhĩ): Việc 4 triệu ô tô cá nhân bị bắt buộc gắn hộp đen đồng nghĩa với quyền riêng tư cá nhân (được Hiến pháp bảo vệ) của hàng chục triệu người sẽ bị ảnh hưởng. Chỉ vì một số ít xe núp bóng kinh doanh vận tải mà buộc gần 4 triệu ô tô cá nhân gắn thiết bị giám sát hành trình thì có thật sự cần thiết không? Bởi lẽ, chủ xe nào phạm luật thì cơ quan chức năng phải có biện pháp chế tài xử phạt rồi.
Rèn luyện trong biến cố (Vũ Thị Huyền Trang): …Khi được hỏi: làm cách nào để con đi qua những biến cố mà không quá đau khổ? Ngài nói: “Việc gì đến cũng đều tốt, những chuyện xảy ra đều là những chuyện cần xảy ra. Nếu bình yên mãi, con là ai, con sẽ không biết. Con chỉ biết mình khi đứng giữa sự lựa chọn đối nghịch. Đón nó đi, không thể nào khác được”.
Du lịch: đừng chỉ dựa vào các mùa lễ! (Trần Hữu Hiệp): Ngành du lịch cần sớm ứng dụng công nghệ, phân tích dữ liệu để tìm hiểu sâu về thị hiếu, tâm lý, sở thích du khách. Hiểu khách, nắm được thị hiếu của khách là cơ sở quan trọng để chủ động tung ra các sản phẩm mới, phù hợp mà không cần chờ mùa vụ.
Phẩm chất người lao động Việt (Trần Duy Thành): “Trăm hay không bằng tay quen”. Ở chốn làm nào thì cũng đều cần đến những “tay quen” – những người biết nỗ lực hàng trăm hàng ngàn lần để trở nên thuần thục. Và không có nỗ lực nào là không được đền đáp, ghi nhận…
55 năm “Đi trong hương tràm” (Hoài Vũ): Nhân ngành giáo dục xuất bản tập sách giáo khoa Ngữ văn 10, tập 2, trong đó có bài thơ “Đi trong hương tràm”, một số bạn đọc, các thầy cô giáo và học sinh lớp 10, qua thư gửi cho tôi, muốn tìm hiểu trường hợp ra đời bài thơ đó…
Xe điện làm tăng căng thẳng giữa EU và Trung Quốc (Ngân Diệp): Việc giới chức châu Âu tuyên bố điều tra chống trợ cấp đối với xe điện Trung Quốc đã làm gia tăng những lo ngại về một cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn của thế giới.
Giá dầu sẽ lên 100 đô la/thùng? (Lạc Diệp): Giá dầu đã vượt 90 đô la/thùng trong những ngày gần đây và lên mức cao nhất trong vòng 10 tháng qua, làm dấy lên lo ngại về lạm phát gia tăng và có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự đoán giá dầu còn có thể tăng tới 100 đô la/thùng.
Kinh tế Trung Quốc liệu đã thoát đáy (Song Thanh): Kinh tế Trung Quốc đã ghi nhận những tín hiệu phục hồi tích cực trong tháng 8, nhưng liệu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất?
Khi Chính phủ Mỹ kiện Google (Nguyễn Vũ): Theo Bộ Tư pháp Mỹ, mô hình kinh doanh độc quyền của Google làm hại cho các nhà quảng cáo do không có một thị trường cạnh tranh lành mạnh nên phải trả phí quảng cáo cao. Người tiêu dùng cũng bị thiệt hại, không tính bằng tiền vì các dịch vụ của Google là miễn phí, mà tính bằng chất lượng dịch vụ.
Mời bạn đọc đón xem!