"Con gái quận ba không bằng bà già quận nhất" là câu người Đà Nẵng truyền tai nhau 25 năm trước để nói về điều kiện sống đối lập hai bên sông Hàn - giữa quận Sơn Trà và Hải Châu. Thành phố khi đó chỉ có hai cây cầu Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý cũ đã xuống cấp, người dân qua lại hai bên sông chủ yếu bằng đò.
Thành phố trẻ Đà Nẵng vừa tách khỏi tỉnh Quảng Nam đang muốn thoát khỏi "tấm áo chật" bằng chỉnh trang đô thị. Cả thành phố như một đại công trường khi hàng loạt tuyến đường ven sông Hàn, quanh sân bay và trung tâm thành phố được mở rộng, nâng cấp. Lãnh đạo thành phố đau đáu xây dựng cây cầu nối liền đôi bờ, nhưng "vấn đề đầu tiên là tiền đâu?".
Sau nhiều cuộc họp bàn phương án, chính quyền Đà Nẵng đã quyết định kêu gọi mỗi công chức góp một ngày lương, trẻ em đi học nhịn tiền ăn sáng, cụ già bớt ăn trầu để chung tay làm cầu vượt sông, nối từ đường Lê Duẩn ở bờ tây sang đường Phạm Văn Đồng phía bờ đông. Cá nhân ủng hộ trên 10 triệu đồng sẽ được ghi tên trên "Bảng ghi công" đặt ở đầu cầu, phía đường Bạch Đằng.
Cầu khởi công xây dựng ngày 2/9/1998.
Trong danh sách 65 cá nhân đóng góp xây cầu, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng lúc bấy giờ là ông Nguyễn Bá Thanh đóng góp nhiều nhất với 45 triệu đồng; ông Huỳnh Năm (Phó chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng, sau này kế nhiệm ông Nguyễn Bá Thanh làm Chủ tịch thành phố) ủng hộ 10.380.000 đồng. "Thành phố vừa phải xây cầu, vừa phải tiết kiệm ngân sách, nên các lãnh đạo đều làm gương", ông Năm, 79 tuổi, nhớ lại.
10 triệu đồng năm1998 là số tiền lớn khi một chỉ vàng giá khoảng 362.000 đồng. Ông Huỳnh Năm đóng tiền thành ba đợt. Đợt đầu là khi cầu mới khởi công, số tiền 5.380.000 đồng; đợt hai 5 triệu đồng (năm 1999); đợt ba khi cầu chuẩn bị khánh thành, 650.000 đồng nhưng không cộng vào tổng số tiền đóng góp.
Giữ cẩn thận một xấp "giấy nộp tiền" làm kỷ niệm, vợ ông Năm, bà Lê Thị Mai Ngữ kể hồi đó để nộp tiền ủng hộ, gia đình đã phải tính toán rất nhiều vì hai con đang tuổi ăn học, trong khi hai vợ chồng đều là công chức. Bà Ngữ lương mỗi tháng gần 1 triệu đồng, còn ông Năm là Phó chủ tịch thành phố lương khoảng 1,5 triệu đồng.
"Hơn 10 triệu đồng là hơn nửa tài sản gia đình nhưng nghĩ có cầu qua sông Hàn để mọi người đỡ khổ là chúng tôi không tính toán nữa", bà Ngữ kể. Ngoài số tiền ông Năm đóng góp, bà cũng ủng hộ tại tổ dân phố.
Hưởng ứng cả thành phố thi đua tiết kiệm chi tiêu để xây cầu, gia đình ngư dân Huỳnh Văn Mười (nay 57 tuổi, trú phường Mân Thái, quận Sơn Trà) đã đóng góp 200.000 đồng. Dù điều kiện khó khăn, ông vẫn vui vẻ chung tay cùng thành phố vì nếu không có cầu, mỗi lần có việc qua bên kia sông, ông phải đạp xe 10 km qua cầu Nguyễn Văn Trỗi. Có cầu Sông Hàn, quãng đường được rút ngắn, chỉ còn 3 km.
Người bạn của ông tên Nguyễn Văn Phương ở Mỹ đã gửi về 700 USD, nhờ ông đổi sang tiền Việt được 10.005.000 đồng, ủng hộ thành phố xây cầu. Ông Phương thi thoảng gọi điện về hỏi thăm "cầu xây đến mô rồi", còn người dân Đà Nẵng có thói quen mới, cứ sáng chiều lại ra sông Hàn ngắm cây cầu đang thành hình.
Cây cầu biểu tượng của thành phố
Ông Huỳnh Năm kể, ý tưởng xây cầu là của tập thể Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng. Sông Hàn khi đó vẫn là đường lưu thông cho tàu cá, tàu du lịch và tàu quân sự vì bến cảng Quân khu 5 nằm sâu bên trong. Dù đã chọn được vị trí xây cầu, nhưng thành phố phải hài hòa giữa việc giao thông đường bộ và đường thủy.
Nhiều ý kiến bàn nên xây cầu cao để tàu thuyền đi lại phía dưới, nhưng cầu xây cao tốn nhiều tiền, lại phá vỡ cảnh quan. Lãnh đạo thành phố cuối cùng chọn xây cầu quay, nhờ Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, thiết kế cho Đà Nẵng.
Cầu Sông Hàn do người Việt thiết kế và thi công, có chiều dài 487,7 m, rộng 12,9 m, kết cấu bêtông cốt thép dự ứng lực và 2 nhịp dây văng có tổng chiều dài 122,7 m, kết cầu dầm và tháp cầu chính bằng thép, có khả năng quay 90 độ song song với dòng chảy.
Thành phố thống kê số tiền do doanh nghiệp, nhân dân đóng góp xây cầu Sông Hàn hơn 7 tỷ đồng trong tổng vốn đầu tư 95 tỷ đồng. Ngày 29/3/2000, cây cầu cắt băng khánh thành nhân dịp kỷ niệm 25 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng. Người dân thành phố đổ dồn lên cầu, nhiều người bật khóc. Việt kiều Phương về nước chụp nhiều bức ảnh cầu quay, mang sang Mỹ khoe với bạn bè. Hai năm sau, những xóm nhà chồ tạm bợ trên sông được xóa bỏ.
Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng, cho rằng ban đầu phương án cầu quay nhằm đáp ứng nối liền giao thông đôi bờ sông Hàn, vừa đảm bảo khả năng tàu quân sự qua lại. Lúc quân cảng di dời, việc cầu quay hằng đêm trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn của thành phố.
Theo ông Tiếng, cầu Sông Hàn không chỉ kéo đôi bờ gần lại, mà đã nối liền hai trình độ văn minh đô thị giữa tả ngạn và hữu ngạn của dòng sông chảy trong lòng phố - điều mà hai cây cầu bắc qua sông Hàn thập niên 50 và 60 chưa làm được. Cây cầu cũng tạo nên một cú hích về tư duy hướng sông, từ đó tạo thương hiệu "Đà Nẵng - thành phố của những cây cầu".
Cầu Sông Hàn khi mới hai tuổi đã được lên tem bưu chính, trong bộ tem cầu Việt Nam phát hành năm 2002 giới thiệu về cầu Long Biên của Hà Nội, cầu Tràng Tiền của Thừa Thiên Huế, cầu Mỹ Thuận nối Tiền Giang với Vĩnh Long và cầu Sông Hàn. Logo biểu tượng Đà Nẵng do họa sĩ Nguyễn Thủy Liên thiết kế cũng có cầu sông Hàn và Ngũ Hành Sơn.
"Cầu Sông Hàn được lên tem hay thành biểu tượng cho thành phố vì đây là cây cầu của lòng dân", ông Tiếng nói.
Nguyễn Đông