Muốn đến để xem Chủ tịch nước là ai
Ông Nguyễn Tiến Hà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Liên lạc Đoàn Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu, năm nay đã bước sang tuổi 96, nhưng giọng nói và phong thái vẫn hoạt bát, nhanh nhẹn. Với ông, những ngày tháng tám mùa thu hàng năm là lúc để nhớ lại những tháng năm hào hùng của dân tộc. Tiếp chúng tôi tại nhà riêng (quận Đống Đa, TP Hà Nội), ông kể giọng chắc nịch: ngay sau khi Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thành công, không bao lâu Mặt trận Việt Minh thông báo sẽ tổ chức ra mắt Chính phủ cách mạng lâm thời vào ngày 2-9-1945.
Ông và nhiều người dân lúc đó nghĩ rằng, việc tổ chức ra mắt liệu có nhanh và gấp gáp quá không? Nhưng, thực tế chứng minh, không phải ngẫu nhiên mà Cụ Hồ nghĩ ra như vậy. Nếu ra mắt Chính phủ cách mạng lâm thời muộn thì sẽ mất thời cơ và cũng không có hy vọng quân đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật sau đó sẽ trao trả chính quyền cho ta.
Đoàn Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu của ông Nguyễn Tiến Hà được thành lập trước khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nay có nhiệm vụ huy động quần chúng đi dự lễ mít tinh. Ông Hà kể, khi được huy động, người dân rất phấn khởi xen lẫn sự tò mò.
“Chúng tôi đi huy động nhân dân tham gia lễ ra mắt Chính phủ cách mạng lâm thời, ai cũng bày tỏ sự tò mò và muốn đến để xem Chủ tịch nước là ai, người như thế nào vì trước đây cũng chỉ nghe là Nguyễn Ái Quốc, sau lại đồn Nguyễn Ái Quốc chính là Hồ Chí Minh”, ông Hà nhớ lại.
Ấn tượng bộ kaki đã bạc màu của Bác Hồ
Ông Nguyễn Tiến Hà kể, sáng ngày 2-9-1945, hàng vạn người đổ về Quảng trường Ba Đình, trên tay cờ đỏ và băng rôn, khẩu hiệu bày tỏ sự ủng hộ Chính phủ mới và Hồ Chủ tịch. Do người đổ về mỗi lúc một đông, đoàn xe của Chính phủ lâm thời bị nghẽn lại và buổi lễ bị chậm 30 phút.
“Bản thân tôi rất phấn khởi. Tôi cùng đoàn thanh niên ở Bạch Mai được bố trí đứng trước kỳ đài”, ông Hà hồi tưởng. Trước khi lễ mít tinh diễn ra, người dân được sắp xếp vào các vị trí được quy định sẵn. Tất cả mọi người đều nghiêm trang và trật tự; người đến trước, người đến sau đều có vị trí của mình.
Đứng trước kỳ đài, ông Nguyễn Tiến Hà quan sát và nhớ rất kỹ thời khắc Cụ Hồ cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng chí Nguyễn Lương Bằng và các đồng chí lãnh đạo khác bước ra.
“Tôi và những người dân hôm đó ai cũng nghĩ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc phải là người mặc comple, cà vạt. Thế nhưng, trên kỳ đài xuất hiện một ông già rất giản dị với bộ áo kaki cũ đã bạc màu. Nhìn thấy, ai cũng cảm thấy xúc động. Bác Hồ tuy giản dị như thế nhưng giọng rất ấm áp, rõ ràng”, ông Nguyễn Tiến Hà xúc động kể.
Hàng vạn người dự mít tinh trật tự và trang nghiêm, sau đó sung sướng khi nghe Bác Hồ tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ cách mạng lâm thời ra đời, nước ta đã trở thành một nước độc lập. Chính quyền cách mạng non trẻ ra đời trong thế “ngàn cân treo sợi tóc” vừa “thù trong, giặc ngoài” vừa nạn đói hoành hành, ngân khố cạn kiệt. Những năm tháng đó, ông Hà cùng Đoàn Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu đi khất thực, vận động nhân dân tiết kiệm, đóng góp vào “hũ gạo cứu đói”.
Ngoài phong trào diệt giặc đói, còn có phong trào diệt giặc dốt. Ông Hà cho biết, sau khi phát động, những người biết chữ nhiều dạy những người biết chữ ít, những người biết ít dạy những người chưa biết chữ, để làm sao cả dân tộc biết chữ quốc ngữ.
Ông Hà cho rằng, nhìn lại quá khứ và kết nối đến hiện tại có thể thấy, 78 năm đã qua, những bài học về Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 vẫn còn nguyên giá trị. Đó là giá trị về tinh thần yêu nước, ý chí luôn sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ Tổ quốc; sự đoàn kết toàn dân làm nên sức mạnh thời đại.
ĐỖ TRUNG