Luỹ kế nửa đầu năm nay, tổng doanh thu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã cổ phiếu DBC – sàn HoSE) giảm 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi, lãi ròng giảm xuống chỉ còn 6,1 tỷ đồng, giảm 73,4% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu do hoạt động kinh doanh kém hiệu quả trong quý 1/2023 khi giá heo hơi lao dốc, chi phí thức ăn chăn nuôi cao, và chi phí lãi vay tăng mạnh.
Trong quý 2/2023, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Dabaco tăng vọt 327 tỷ đồng, chủ yếu do giá heo hơi bắt đầu phục hồi từ mức đáy của tháng 3/2023 và hạch toán dự án khu dân cư Parkview đóng góp 150 tỷ đồng vào mức lãi ròng chung của toàn tập đoàn này.
Hưởng lợi từ việc giá heo hơi phục hồi và giá thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt
Trong nữa cuối năm nay, mảng kinh doanh 3F (Feed-Farm-Food) của Tập đoàn Dabaco được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ sự phục hồi của ngành chăn nuôi kho doanh nghiệp này đã tích cực mở rộng quy mô đàn heo giai đoạn vừa qua và một số dự án chăn nuôi heo mới sẽ đi vào hoạt động trong năm nay.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 8/2023, mặt bằng giá heo hơi tại Việt Nam đã tăng 16% từ mức đáy 49.000 đồng/kg vào cuối tháng 3/2023. Nhiều tổ chức tài chính và chuyên gia ngành chăn nuôi hiện dự báo giá heo hơi sẽ tăng trong nửa cuối năm 2023 nhờ sự sụt giảm tổng đàn heo cả nước khi chi phí thức ăn cao và giá heo hơi thấp từ hồi cuối năm 2022 và đầu năm 2022 khiến nông hộ e ngại tái đàn. Theo dữ liệu của Vietcombank Securities, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang chiếm tới 38% tổng nguồn cung thịt heo ra thị trường nội địa.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ thịt heo đang tiếp tục hồi phục khi áp lực lạm phát suy yếu và lĩnh vực du lịch, khách sạn tiếp tục phục hồi. Bên cạnh đó, giá heo hơi tại Việt Nam còn được thúc đẩy bởi xu hướng tăng giá heo hơi tại thị trường Trung Quốc.
Vào quý 2/2023, Tập đoàn Dabaco đã khánh thành trang trại lớn nhất tính đến hiện tại tại tỉnh Thanh Hóa, nâng công suất sản xuất lên 78.000 tấn heo thịt/năm, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2022. Do đó, với sản lượng được cải thiện, Tập đoàn Dabaco sẽ được hưởng lợi từ giá heo hơi cao hơn trong nửa cuối năm 2022.
Theo dõi giá heo hơi được cập nhật hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Bên cạnh đó, Vietcap Securities (VCSC) cho biết hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Dabaco còn được hưởng lợi nhờ giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đã hạ nhiệt. Tính đến cuối tháng 8/2023, giá ngô, đậu nành, và lúa mì thế giới đã giảm từ 15% - 30% so với mức đỉnh của quý 1/2023 nhờ thời tiết thuận lợi và diện tích canh tác tại các nước xuất khẩu lớn được mở rộng.
VCSC hiện dự báo giá nguyên liệu thô cho thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục biến động trong nửa cuối năm 2023 và trong suốt năm 2024. Xu hướng này dự kiến sẽ thúc đẩy biên lợi nhuận gộp của mảng thức ăn chăn nuôi của Tập đoàn Dabaco, đặc biệt do tập đoàn này phải nhập khẩu tới 60% nguyên liệu thô sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Sẵn sàng sản xuất hàng loạt vaccine dịch tả lợn châu Phi vào cuối năm nay
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dabaco còn được kỳ vọng sẽ hưởng lợi lớn trong trung và dài hạn từ việc thương mại hoá vaccine phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Cụ thể, vào tháng 4/2023, Tập đoàn Dabaco đã hoàn thành giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, trong đó tất cả lợn được tiêm phòng đều có phản ứng kháng thể. Đến đầu tháng 9 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cùng các cơ quan chuyên môn đã có buổi làm việc với Tập đoàn Dabaco về tiến độ khảo nghiệm vaccine dịch tả lợn châu Phi.
Kết quả kiểm nghiệm cho thấy vaccine đạt tiêu chuẩn về vô trùng, an toàn và hiệu lực bảo hộ từ 80 - 100% trên đàn lợn thí nghiệm. Vaccine này đang được khảo nghiệm để đăng ký lưu hành theo quy định.
Ông Tạ Hoàng Long, Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc thú ý Trung ương I, cho biết “Kết quả đánh giá sơ bộ bước đầu cho thấy, tại các trại lợn sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi của Tập đoàn Dabaco an toàn, sống khỏe, tăng trọng và phát triển bình thường. Sau 28 ngày gây miễn dịch, lợn sản sinh được kháng thể kháng virus dịch tả lợn Châu Phi. Quá trình thử thách cường độc đang được thực hiện, dự kiến đầu tháng 11 sẽ hoàn thành các bước kiểm tra thực địa”.
Xem thêm: "Bất động sản – “Gà đẻ trứng vàng” mới của Vinaconex (VCG)" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Nếu vaccine dịch tả lợn châu Phi của Tập đoàn Dabaco được lưu hành thì đây sẽ là loại vaccine thương mại thứ hai trên thế giới của loại bệnh này, sau vaccine NAVET-ASFVAC của Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco.
Theo chia sẻ của đại diện Tập đoàn Dabaco, Nhà máy sản xuất vaccine dịch tả lợn châu Phi của tập đoàn sẽ sẵn sàng sản xuất hàng loạt vào cuối quý 4/2023 và tập đoàn đặt mục tiêu xuất khẩu vaccine này sang các quốc gia chăn nuôi lợn lớn.
Vào giữa tháng 8/2023, Tập đoàn Dabaco và tập đoàn Guangdong Winsun Bio Pharmaceutical (Trung Quốc) đã ký thoả thuận hợp tác nghiên cứu, sản xuất vaccine dùng trong thú ý. Được biết, Winsun là 1 trong 10 doanh nghiệp sản xuất sinh phẩm sinh học thú ý hàng đầu Trung Quốc với 17 dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP. Thoả thuận này có thể thúc đẩy khả năng vaccine dịch tả lợn châu Phi của Tập đoàn Dabaco tiếp cận thị trường Trung Quốc - quốc gia chăn nuôi heo lớn nhất thế giới.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước, cổ phiếu DBC đạt 24.750 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm đầu năm nay, thị giá cổ phiếu DBC đã tăng hơn 72%.
Tại sao Ngân hàng Sacombank (STB) muốn tham gia đầu tư vào Bamboo Airways? Quỳnh Trang