Thứ bảy, 23 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Kỳ vọng vực dậy Thái Lan của tân Thủ tướng Srettha

Chủ nhật, 03/09/2023 | 07:00
[G-News24/7] -

Ông trùm bất động sản Srettha Thavisin, ứng viên 60 tuổi của đảng Pheu Thai, đã trở thành tân thủ tướng Thái Lan, chấm dứt chấm dứt ba tháng bế tắc chính trị ở đất nước Đông Nam Á. Ngay sau khi được bầu, ông Srettha đã nêu ra những ưu tiên chính sách trong nhiệm kỳ của mình, trong đó nhấn mạnh vào kinh tế và vị thế quốc gia.

"Tôi cảm thấy vinh dự khi được bầu làm thủ tướng thứ 30 của Thái Lan. Tôi sẽ cố gắng không ngừng nghỉ thực hiện trách nhiệm của mình để nâng cao đời sống cho người dân Thái", ông nói.

2023-05-14T000000Z-1107793682-1978-3869-1692778749.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=3Tr33cwYa7qTWkDsMUOAvA

Ứng viên thủ tướng Thái Lan của đảng Pheu Thai Srettha Thavisin tại Bangkok hôm 14/5. Ảnh: Reuters

Ông Srettha lên nắm quyền trong bối cảnh chính trị khá phức tạp, khi Pheu Thai phải liên minh với các "cựu thù" là hai đảng thân quân đội để nắm quyền, động thái có thể làm phật lòng hàng triệu người Thái từng bỏ phiếu cho các đảng tiến bộ hồi tháng 5.

Sự trở về của ông Thaksin Shinawatra, người bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự năm 2006 song vẫn duy trì ảnh hưởng lớn với chính trị Thái Lan, cũng có thể khiến tình hình chính trị thêm khó đoán với tân Thủ tướng Srettha.

Phát biểu trước cuộc bầu cử hồi tháng 5, Srettha cho biết ông không phải là người của ông Thaksin và muốn tập trung vào khắc phục tình trạng bất bình đẳng thu nhập của Thái Lan, thúc đẩy quyền LGBT như hôn nhân đồng giới, cũng như xử lý tận gốc nạn tham nhũng.

Ông cũng cam kết vực dậy nền kinh tế của Thái Lan. Trong chiến dịch vận động, Pheu Thai cam kết tặng 10.000 bath (khoảng 300 USD) cho mỗi công dân trên 16 tuổi qua ví điện tử.

"Tình hình kinh tế Thái Lan đã trở nên tồi tệ trong 5-8 năm qua. Chúng ta cần chính sách kích thích kinh tế lớn để khuyến khích người lao động trở lại sản xuất một lần nữa", ông Srettha nói.

Pheu Thai cho biết liên minh cầm quyền đồng ý ủng hộ kế hoạch của đảng nhằm thúc đẩy nền kinh tế, tăng lương tối thiểu và chấm dứt chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Họ cũng ủng hộ tiếp tục hợp pháp hóa cần sa trong y tế và cùng sửa đổi hiến pháp để đất nước "trở nên dân chủ hơn", song không động chạm tới luật khi quân vốn gây nhiều tranh cãi.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng việc phải nắm quyền bằng liên minh 11 đảng, trong đó có các đảng thân quân đội vốn là đối thủ "nhiều duyên nợ", có thể cản trở đáng kể tham vọng và khả năng lãnh đạo đất nước hiệu quả của Thủ tướng Srettha.

Nền kinh tế Thái Lan phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, vốn chiếm tới hơn 2/3 tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Thái Lan xuất khẩu khoảng 105 tỷ USD mỗi năm, với các mặt hàng chính như ôtô, thiết bị điện, máy tính, gạo, dệt may, giày dép, thủy sản, cao su và đồ trang sức.

Thái Lan là nền kinh tế mới nổi và được xem là nước công nghiệp mới. GDP năm 2023 của nước này khoảng 574 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người hơn 8.100 USD, theo Wikipedia.

Tuy nhiên, tình trạng bất ổn chính trị từ lâu đã kìm hãm sự phát triển của Thái Lan, khi quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận hơn 10 cuộc đảo chính trong thế kỷ qua.

"Thật tiếc khi danh tiếng của Thái Lan lại gắn liền với những cuộc đảo chính và sự thiếu ổn định trong điều hành. Điều đó không giúp ích gì cho đầu tư nước ngoài cũng như trong nước", Richard Yarrow, nhà nghiên cứu tại Trường Harvard Kennedy, nói.

Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối những năm 1990 và cuộc đảo chính năm 2006 đều góp phần khiến nền kinh tế Thái Lan sa sút. Covid-19 cũng ảnh hưởng nặng nề tới quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc khá nhiều vào du lịch này.

"Tôi muốn trở thành thủ tướng để có thể tạo ra sự khác biệt. Chúng ta cần thực sự thúc đẩy các hoạt động đối ngoại. Chúng ta cần ra ngoài và giao lưu với thế giới. Chúng ta cần quảng bá Thái Lan, cho họ thấy lợi thế của việc đầu tư vào Thái Lan và những gì chúng ta cung cấp cho thế giới", ông nói trước cuộc bầu cử hồi tháng 5.

Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Thái Lan. Thái Lan cũng là khách hàng mua thiết bị quốc phòng lớn của Mỹ và các sĩ quan nước này thường tham gia khóa đào tạo tại các học viện quân sự Mỹ.

Tuy nhiên, quan hệ song phương đã trở nên căng thẳng sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014. Washington đã đình chỉ hàng triệu USD viện trợ quân sự cho Thái Lan. Quan hệ chỉ được cải thiện vào năm 2019, sau khi Thái Lan tổ chức bầu cử, dù chính phủ gồm nhiều tướng quân đội vẫn nắm quyền.

Một chính phủ dân sự dưới thời ông Srettha được cho sẽ mở cánh cửa để Bangkok tăng cường quan hệ với Washington. Theo các nhà phân tích, một Thái Lan dân chủ hơn về thể chế và mạnh mẽ hơn về kinh tế sẽ giúp Tổng thống Mỹ Joe Biden củng cố liên minh ở châu Á.

pheu-Thai-6448-1692778749.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=x4J0ngHXEMY2TY7IOhNV8g

Người ủng hộ đảng Pheu Thai ăn mừng sau khi ông Srettha được bầu làm thủ tướng ngày 22/8. Ảnh: Reuters

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Thái Lan. Hai quốc gia có mối quan hệ văn hóa sâu sắc và không có tranh chấp về lãnh thổ, tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường hợp tác.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Bangkok và Bắc Kinh cũng có những căng thẳng. Hai bên đã mâu thuẫn về những con đập của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mekong, được cho là khiến các trang trại của Thái Lan ở hạ lưu thiếu nguồn nước tưới tiêu.

Thỏa thuận mua tàu ngầm trị giá 410 triệu USD mà hải quân Thái Lan ký với Trung Quốc đã rơi vào tình trạng bấp bênh do lệnh cấm vận vũ khí của châu Âu, khiến Trung Quốc không thể gắn động cơ cho các tàu này.

Giới quan sát cho rằng việc điều chỉnh quan hệ đối ngoại với các cường quốc và tiếp sinh lực cho nền kinh tế của Thái Lan trong chính quyền của Thủ tướng Srettha sẽ cần gắn liền với sự ổn định của đất nước.

Ông Srettha được kỳ vọng sẽ biết cách sử dụng kinh nghiệm của mình để giúp "thúc đẩy nền kinh tế và xã hội" Thái Lan, cũng như tăng cường vị thế đối ngoại của quốc gia.

"Tôi muốn làm cho Thái Lan vĩ đại trở lại trong mắt cộng đồng quốc tế", ông nói.

Thanh Tâm (Theo WSJ, AP, CNN, Al Jazeera, Benar News)

g-news247