Những người hay ghen tuông thường kìm nén cảm xúc nhưng kèm theo đó là những hành vi như rình mò hoặc gây gổ, phản ứng độc hại. Theo chuyên gia tâm lý học người Mỹ kiêm tiến sĩ Mark Travers từ Đại học Colorado Boulder, có hai điều bạn cần biết để xóa tan những quan niệm sai lầm xung quanh sự ghen tuông và ngăn nó tạo ra rạn nứt trong các mối quan hệ.
Ghen tuông là một dạng cảm xúc, không phải tính cách
Cảm thấy ghen là một phản ứng tự nhiên trong một số tình huống nhất định, nhưng nó không phải lúc nào cũng xác định việc bạn là ai.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Tâm thần học và Tâm lý học lâm sàng Mỹ cho rằng phần lớn cả nam giới và phụ nữ đều tự cho mình là những người hay ghen tuông. Mặc dù điều này chỉ ra tính phổ biến của cảm xúc "ghen" nhưng điều quan trọng cần nhớ là việc tự nhận dạng bản thân như vậy không quyết định số phận mối quan hệ.
Hiểu ghen tuông như một cảm xúc chứ không phải là một phần tính cách đã ăn sâu vào con người mình có thể là bước đầu tiên để quản lý những ảnh hưởng của nó đối với một mối quan hệ. Cần chấp nhận cảm xúc và giải quyết nguyên nhân gốc rễ của nó thông qua giao tiếp lành mạnh là cách tối ưu.
Ví dụ, gần đây bạn thấy nửa kia dành nhiều thời gian hơn để nhắn tin cho ai đó. Mỗi khi bạn đến gần, họ sẽ nhanh chóng đặt điện thoại xuống hoặc chuyển cuộc trò chuyện sang chủ đề khác. Bạn bắt đầu suy nghĩ: "Chồng/vợ nói chuyện với ai vậy? Tại sao họ lại giấu mình? Họ có tình cảm với người khác không?".
Điều quan trọng là cần phải phân biệt rõ giữa những suy đoán mơ hồ và bằng chứng cụ thể. Hãy giải quyết cảm xúc của mình dựa trên ba bước: thừa nhận cảm xúc, xác định hướng hành động và chọn giao tiếp mang tính xây dựng.
Giao tiếp hiệu quả là liều thuốc giải độc cho sự ghen tuông thái quá
Nghe có vẻ phản trực giác nhưng sự ghen tị có nguồn gốc sâu xa trong quá trình tiến hóa của con người. Một số nghiên cứu chỉ ra, sự ghen tuông thậm chí có thể là yếu tố then chốt để nâng cao mối quan hệ của bạn thông qua quá trình bảo vệ và giữ chân bạn tình. Điều này càng củng cố thêm nhu cầu giao tiếp mang tính xây dựng với đối tác, khi chúng ta phải đối mặt với những tình huống khiến bản thân cảm thấy bất an hoặc ghen tị, vì đó có thể là một phương tiện hữu hiệu để củng cố mối quan hệ và cùng nhau phát triển.
Theo chuyên gia, nên giao tiếp bằng cách đưa ra những chia sẻ, ví dụ: "Có thể em ghen tuông vô lý, nhưng em cảm thấy bất an... ", "Anh ghen khi em ở bên người bạn đó nói cười vui vẻ"... Hãy bắt đầu câu nói bằng những câu nói có "tôi" và giảm nhẹ tác động lên đối tác. Đây là một trong những cách tốt nhất để tránh chơi trò đổ lỗi, vì ghen tuông thường đi kèm với cảm giác tổn thương và tức giận.
Giao tiếp cởi mở và đầy cảm thông là chìa khóa để hiểu và giải quyết cảm giác ghen tị. Cách tốt nhất là hiểu và xử lý cảm giác ghen tị theo những cách lành mạnh.
Thùy Linh (Theo Psychology Today)