Là lái xe hợp đồng ở các mỏ đá, năm 2010, anh Quỳnh, 25 tuổi, ở phường Long Xuyên, huyện Kinh Môn bị thất nghiệp vì thoát vị đĩa đệm, lưng đau không thể ngồi lâu. Trong những ngày ở nhà điều trị, anh tìm hiểu về các loại gà, chim cảnh độc lạ, vốn là đam mê từ bé của mình.
"Tôi chợt nhận ra, nguồn cung các loại vật nuôi độc lạ ở miền Bắc rất hiếm, đây là cơ hội để khởi nghiệp", anh Quỳnh nhớ lại. Vét cả nhà được 16 triệu đồng, anh đi Phú Thọ mua 10 đôi gà chín cựa và 4 đôi chim trĩ về nuôi trên khu vườn rộng hơn 500 m2 của bố mẹ.
Nhờ tìm hiểu kỹ cách chăm sóc, sau một năm đàn chim, gà của anh Quỳnh đẻ đầy trại. Tuy nhiên, đầu ra gặp khó khăn. Ngày nào anh cũng đi Hà Nội, Hải Phòng giới thiệu sản phẩm, bán một tặng một mà vẫn ế.
Thấy chồng mệt mỏi, vợ anh Quỳnh đề nghị bỏ trang trại, quay lại mỏ đá hoặc đi lái xe hàng để có thu nhập trang trải cuộc sống. "Tôi thức trắng nhiều đêm, để vợ con khổ thì không đành, nhưng mới gặp khó mà bỏ thì không khá được. Tự dặn mình còn trẻ, làm điều mình đam mê, phải kiên trì", anh Quỳnh chia sẻ.
Xem lại cách bán hàng, anh nhận ra việc bán gà, chim vào nhà hàng làm đặc sản không hợp lý, không đủ sức cạnh tranh với gà thông thường. Vào các nhóm sinh vật cảnh, thấy việc bán gà lạ, chim trĩ đẹp làm cảnh giá sẽ cao hơn, thị trường rộng lớn hơn nên anh Quỳnh quyết thay đổi hướng đi.
Hàng ngày anh chụp nhiều ảnh đàn gà chín cựa, chim trĩ đủ màu sắc đưa lên các hội nhóm chào bán. Bằng sự trung thực, nhiệt tình, sau một tuần bán hàng, anh chốt được hơn 10 đơn hàng có giá trị. Trang trại dần hồi sinh. Khách mua xong lại giới thiệu cho người khác.
Bước ngoặt để anh Quỳnh bứt phá là lần đi chơi vườn thú Hà Nội năm 2012. Nhìn đôi chim công Ấn Độ xòe đuôi múa, anh như bị thôi miên. "Tôi chạy ra phòng bảo vệ hỏi mua công. Họ hướng dẫn lên gặp lãnh đạo. Tất nhiên, đề nghị của tôi bị từ chối", anh Quỳnh kể lại hành động của mình lúc đó.
Thấy chàng trai Hải Dương quá si mê đôi chim công, lãnh đạo vườn thú chỉ dẫn đến rừng quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) mua con giống. Rất nhanh chóng, 4 cặp chim công Ấn Độ được anh đưa về trang trại. Giống công này nhỏ hơn công Việt Nam, nhưng hiền lành, nuôi lâu sẽ quấn người, quấn tổ. Có hôm anh quên không đóng chuồng, hơn 10 con công bay khắp xóm. Cả nhà đi tìm bắt không được, nghĩ sẽ mất. Đến tối, đàn công lại gọi nhau về chuồng.
Chim công Ấn Độ giá cao, khó mua giống, nhưng dễ nuôi, chủ yếu ăn ngô, lạc và chuối chín. Để chim có môi trường sống thoái mái, anh Quỳnh xây chuồng hình tròn, rộng 30 m2, xung quanh rào lưới B40, đặt ở nơi thoáng mát. Dưới nền, anh rải cát vàng để hút ẩm, ngừa giun sán. Anh còn luyện cho công ăn thêm tỏi để phòng bệnh.
Sợ đàn chim bố mẹ bị thoái hóa giống, anh Quỳnh thường tìm đến những nơi có công đực để mua thêm. "Cuối năm 2011, tôi nghe nói Thái Nguyên có trại đang thay con đực nên chạy xe máy lên đó mua lúc giữa đêm. Hôm đó trời lạnh buốt. Đưa được chim về nhà thì nó chết cóng, tôi cũng sốt đùng đùng. Đau không gì tả được", anh Quỳnh nhớ lại kỷ niệm buồn.
Đến năm 2013, đàn chim công bị nhiễm cúm, nguy cơ mất trắng. Anh Quỳnh cầu cứu khắp nơi, năn nỉ chuyên gia bày cách chữa qua điện thoại. Sau đó đàn công bố mẹ ổn định và bắt đầu đẻ trứng. Công cái sinh sản từ năm 2 tuổi, mỗi năm đẻ 18-22 quả trứng; đến 5 năm tuổi đẻ trên 30 trứng. Thời gian đầu, tỷ lệ trứng hỏng đến 60%. Sau này, anh phải làm chuồng ấp ở trên cao mới khắc phục được.
Gây dựng được đàn công bố mẹ khoảng 50 con, anh Quỳnh bắt đầu cho xuất bán. Trứng công bán 600.000-800.000 đồng/quả; chim công một tháng tuổi lông xanh 800.000 đồng/con; lông trắng, lông ngũ sắc 1,7-2 triệu đồng/con; má vàng 3-4 triệu đồng/con và lông silver 6-8 triệu đồng/con. Chim trưởng thành không dưới 20 triệu đồng/cặp.
Từ khu vườn 500 m2 của bố mẹ, năm 2014 anh Quỳnh gom tiền mua đất, mở rộng trang trại lên 3.600 m2. Năm 2021, trang trại thứ hai được xây dựng trên khu đất 2.500 m2. "Tổng vốn đầu tư đến nay cũng gần 2 tỷ đồng, đều từ lợi nhuận của trang trại", anh Quỳnh chia sẻ.
Hiện hai trang trại có 200 chim công, 300 chim trĩ, hàng chục con gà đuôi dài, mỗi năm xuất bán hơn 500 con. Ngoài ra, anh Quỳnh còn làm thêm tiêu bản chim công và tư vấn thiết kế sân vườn nuôi chim cảnh. Anh cũng đang nuôi thử ngựa lùn, đà điểu châu Úc, gà rosecomb (giống gà Anh thời trung cổ).
"Những giống sinh vật cảnh quý, thường được sử dụng trong các khu sinh thái, nhà vườn nhưng ở Việt Nam ít nguồn cung sẽ là tương lai của trang trại", anh Quỳnh chia sẻ về hướng đi trong tương lai.
Ông Phạm Văn Tuyên, Chủ tịch Hội Nông dân phường Long Xuyên, đánh giá cao mô hình nuôi chim cảnh của anh Quỳnh. "Hiệu quả kinh tế từ trang trại vượt trội. Nhờ đó, Quỳnh được giải thưởng Lương Đình Của năm 2014. Hiện trại chim là mô hình điểm để các hội viên khác học tập, nhân rộng", ông Tuyên nói.
Lê Tân