Sự kiện được Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương đề xuất sáng kiến và phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Văn phòng Quốc hội tổ chức nhằm thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan và nâng cao nhận thức của trẻ em về Quốc hội.
Với sự tham dự của 263 đại biểu trẻ em đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, phiên họp giả định được tiến hành theo đúng quy trình, cách thức tổ chức như một phiên họp chính thức của Quốc hội. Phiên họp được diễn ra với 2 phiên, phiên thảo luận tổ diễn ra vào ngày 9-9 và phiên toàn thể diễn ra vào ngày 10-9.
Phát biểu với các đại biểu Quốc hội trẻ em, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao sáng kiến tổ chức cũng như tính chuyên nghiệp của phiên họp giả định. Các đại biểu Quốc hội trẻ em là những tấm gương tiêu biểu trong học tập, rèn luyện, cũng là niềm hy vọng của đất nước. “Sự thể hiện xuất sắc của các cháu cho thấy mô hình phiên họp Quốc hội giả định là một mô hình rất có ý nghĩa và hiệu quả nhằm thúc đẩy sự tham gia sớm của trẻ em vào các hoạt động chính trị, xã hội; góp phần bảo đảm quyền và lợi ích của trẻ em, hướng cho trẻ em trở thành những công dân có trách nhiệm với đất nước, với xã hội và khả năng trở thành những nhà lãnh đạo trong tương lai”, Chủ tịch Quốc hội nhận định.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu trong quá trình xem xét, thông qua các dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết, cần chú trọng thẩm tra các quy định bảo đảm quyền trẻ em; nghiên cứu để đưa quy trình thẩm tra nội dung bảo đảm quyền trẻ em thành một khâu bắt buộc trong hoạt động lập pháp, tương tự như việc thẩm tra về bình đẳng giới hiện nay.
ANH THƯ