Thứ năm, 28 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Liệu "ngành golf Việt Nam" có thừa tiềm năng và tiềm lực phát triển?

Thứ ba, 10/05/2022 | 08:00
[G-News24/7] -

Trên thực tế, nền kinh tế golf của Việt Nam vẫn còn rất “khiêm nhường” so với các nước lân cận. Lấy ví dụ ở năm 2019, Việt Nam có 96 triệu dân, 78 sân golf và chỉ 0,1% dân số chơi golf. Trong khi đó, Thái Lan cùng thời điểm có 69 triệu người, nhưng có tới 315 sân và 0,7% dân số tham gia; Hàn Quốc chỉ 51 triệu người nhưng số sân golf đạt tới 798 và 12,3% dân số “cuốc đất”. Còn ở Mỹ, số sân golf lên tới 12.752 sân và 8,5% dân số tham gia, mang về giá trị 84 tỷ USD.

Bởi vậy, thúc đẩy kinh tế golf nên là một định hướng quan trọng trong điều hành của cơ quan quản lý. Nước ta có đầy đủ các tiềm năng về tự nhiên, dân số, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và khách du lịch có nhu cầu. Việc bỏ quy hoạch quốc gia về sân golf có thể xem là bước đi quan trọng trong việc mở đường cho kinh tế golf, nhưng để phát huy hơn nữa, rất cần các cơ chế, chính sách mới, thuận lợi hơn, ưu đãi hơn.

Phó chủ tịch Hội bất động sản du lịch Việt Nam (VnTPA)- ông Thân Thành Vũ cho rằng Tư duy chính là rào cản cần phải phá bỏ để golf tiếp tục phát triển. Đến tận bây giờ, golf vẫn đang nằm trong sự tranh cãi giữa hai luồng quan điểm trái ngược. Luồng quan điểm thứ nhất cho rằng golf ảnh hưởng xấu tới sản xuất khi lấy đi nhiều diện tích đất rừng, đất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi), làm nông dân mất sinh kế, đặc biệt là gây tổn hại cho môi trường tự nhiên (đất, nước) do sử dụng nhiều hóa chất độc hại. Luồng quan điểm thứ hai khẳng định rằng golf không gây hại cho sản xuất và đời sống. Ngược lại, golf còn giúp cải tạo môi trường, làm gia tăng lợi ích cho những vùng đất hoang hóa, kém giá trị kinh tế và cải thiện đáng kể thu nhập của người dân địa phương.

Với tư cách là người quan sát và nghiên cứu về golf, ông Vũ khẳng định golf thực sự mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế và môi trường. Đơn cử những vùng đất hoang tại Bình Thuận, nhờ phát triển golf mà được phủ xanh, chống nạn cát bay, tạo ra cảnh quan xinh đẹp, thu hút du khách, mang lại giá trị không nhỏ đồng thời giải quyết công ăn việc làm với thu nhập trung bình khá cho hàng trăm, hàng nghìn lao động địa phương.

“Khác với thời kỳ sơ khai, công nghệ làm sân golf ngày nay đã cải tiến vượt bậc, từ chăm sóc cỏ đến hệ thống tưới tiêu, đều không gây hại cho môi trường. Ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, khá nhiều nghiên cứu đã được thực hiện về tác động của sân golf và cho thấy golf thân thiện với môi trường. Nhật Bản là đảo quốc, rất nhạy cảm và luôn bảo vệ môi trường nghiêm ngặt, vậy mà họ có hàng nghìn sân. Nếu golf gây hại, sao người Nhật lại làm nhiều như vậy?”, ông Vũ nêu quan điểm và nhấn mạnh: “Sân golf thực sự có khả năng cải tạo các khu vực khô cằn, không có giá trị hoặc giá trị kinh tế rất thấp. Tất nhiên, chúng tôi phản đối việc làm sân golf ở rừng nguyên sinh, khu bảo tồn thiên nhiên hay đất hai lúa đã nằm trong quy hoạch để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia”.

Như vậy có thể thấy, rào cản đầu tiên cần được gỡ bỏ để golf phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam chính là rào cản tư duy. Những cái nhìn định kiến, thiên lệch về golf chẳng những không giúp bảo vệ môi trường mà còn khiến đất đai không được khai thác hết tiềm năng, bỏ lỡ cơ hội làm giàu, vốn đã được chứng minh tại hàng chục quốc gia phát triển trên thế giới.

Nguồn: Tổng hợp

g-news247