Thứ tư, 27 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Lời cãi 'đến cùng' trong vụ án kẹp chân cảnh sát, phớt lờ lời kêu cứu

Thứ hai, 11/09/2023 | 06:52
[G-News24/7] -

Ngày 31/8/1967, ông Vincent Martel Fagan loay hoay tìm chỗ đậu ôtô ở đường Fortunegate, London. Cảnh sát David Morris đang làm nhiệm vụ, tiến tới đứng cạnh đầu xe, yêu cầu ông lái về phía lề đường và chỉ cho một nơi thích hợp.

Lúc đầu, tài xế dừng xe quá xa lề đường nên viên cảnh sát tiếp tục đề nghị đỗ xe gần hơn lấy lối cho phương tiện khác. Ông Fagan tỏ ra bực, rồ ga tiến lên khiến bánh trước của xe lăn vào chân trái của David Morris. Sĩ quan này kêu lên: "Anh đang kẹp bánh xe vào chân tôi đấy, lái ra mau".

Song ông Fagan không làm theo mà tắt máy, để im xe tại chỗ và nói: "Ông không đợi được một lúc à!". David Morris tiếp tục nhắc lại nhiều lần "lùi xe khỏi chân tôi ngay" nhưng phải một lúc sau, ông Fagan mới nổ máy "giải thoát" cho bàn chân trái của sĩ quan cảnh sát.

a-nh-chu-p-ma-n-hi-nh-2023-09-6498-7755-1694253923.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=BUHpFzvVegOTxByOtYQBtA

Cảnh sát Anh chỉ vào một chiếc xe đậu chưa đúng khoảng cách dưới lòng đường, năm 1976. Ảnh: Pinterest

Cho rằng ông Fagan cố ý chơi khăm mình, Morris kiện Fagan ra tòa hình sự vì tội cố ý hành hung. Tại phiên sơ thẩm ngày 25/10/1967, bị cáo cho rằng để một hành vi bạo lực được quy kết là vi phạm pháp luật phải đồng thời thỏa mãn hai yếu tố: mens rea (ý định phạm tội) và actus reus (hành vi phạm tội). Ông Fagan cho rằng chỉ vô tình lùi xe vào chân viên cảnh sát, không có yếu tố mens rea, nên không thể bị quy tội hành hung. Hơn nữa, ôtô không thể được coi là "hung khí".

Còn toà lập luận, tội của ông không phải là cố ý lái xe lao vào kẹp chân sĩ quan David Morris mà là đã kẹp chân ông Morris. Tài xế đã quyết không dừng hành vi, thực hiện hành vi gây hấn liên tục.

Hành vi của ông Fagan chia hai giai đoạn: Lần đầu vô tình kẹp bánh xe vào chân Morris; giai đoạn 2 là cố ý tắt động cơ xe và không di chuyển bánh xe khỏi chân Morris khi được yêu cầu. Ông Fagan có tội ở giai đoạn 2, do tồn tại đồng thời yếu tố ý định phạm tội và hành vi phạm tội, vì thế cấu thành tội hành hung.

Tòa cũng bác lập luận của ông Fagan rằng ôtô không thể được coi là hung khí. Theo HĐXX, hành vi bạo lực có thể được thực hiện bằng cách sử dụng bất cứ dụng cụ hoặc vũ khí nào do bị cáo điều khiển, có thể gây thương tích, và trường hợp này, ôtô chắc chắn thỏa mãn điều kiện để được coi là hung khí.

Ông Fagan bị kết tội tấn công một cảnh sát khi đang thi hành nhiệm vụ.

Trong phiên phúc thẩm ngày 31/8/1968 xét kháng cáo của mình, ông Fagan tiếp tục khẳng định dù ở giai đoạn một hay hai của hành vi thì nó đã được khởi đầu bằng một sự vô ý. Do đó, toà không thể tuyên có tội.

Tuy nhiên toà phúc thẩm nhận định người kháng cáo "đã cố tình, khiêu khích" và "không cần thiết để bánh xe đứng yên" sau khi cảnh sát đã bị kẹp chân, yêu cầu di chuyển để rút chân ra.

Theo đánh giá của tòa, tấn công là bất kỳ hành động nào cố ý hoặc liều lĩnh, khiến nạn nhân bị thương tích. Việc bị cáo có "cầm nắm" hung khí hay "điều khiển" hung khí cũng không phải là yếu tố quan trọng đáng để tranh cãi. Sự việc có hậu quả rõ ràng là sĩ quan David Morris bị thương tích.

Dựa trên thực tế cho thấy hành động của Fagan ban đầu có thể là vô ý, nhưng đến lúc biết bánh xe đã nằm trên chân viên cảnh sát, bị cáo vẫn ngồi trong xe, tắt động cơ để bị hại tiếp tục phải chịu đựng. Bị cáo còn dùng ngôn ngữ thách thức, tức là ý định phạm tội thậm chí đã được biểu hiện ra thành lời.

ssrco-classic-tee-two-models-f-3109-8278-1694253923.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=g7xYlHnVkY7AjHzS_AqsBQ

Minh họa vụ án nổi tiếng được dùng in áo phông, bình nước, sticker laptop... Ảnh: Red bubble

Ông Fagan cãi thương tích của ông Morris đã hoàn tất ở giai đoạn một của hành vi, tức là giai đoạn bị cáo vô ý, giai đoạn mà ông ta không phạm tội. Nên cùng lắm, việc ông ta không di chuyển xe chỉ là bỏ mặc người bị nạn.

Quan điểm này bị tòa đánh giá là "ngụy biện", đánh tráo khái niệm. "Chúng tôi bác bỏ lập luận này", tòa nêu.

Theo toà, nếu một người vô tình giẫm lên chân của người khác thì không phạm tội, nhưng vẫn cố tình gây áp lực khi nạn nhân phản kháng thì rõ ràng đó là hành vi hành hung.

Tất cả thẩm phán của phiên phúc thẩm đều nhất trí bác kháng cáo của ông Fagan. Theo quy định, hành vi này có thể bị phạt tối đa đến mức 5 (5.000 bảng) kèm phạt tù 6 tháng.

Mặc dù vụ án đã được xử theo luật hình sự nhưng nó cũng đã được Tòa Tối cao coi là bản án quan trọng, áp dụng cho cả luật dân sự và bồi thường ngoài hợp đồng. Theo đó, trong việc xác định hành vi phạm tội, tòa bổ sung lưu ý: Một người vô tình phạm tội song không có ý thức chấm dứt hành vi đó khi nhận ra sẽ bị tính là có "ý định phạm tội", do đó sẽ bị phán quyết có tội.

Vụ án thú vị và nổi tiếng này thậm chí được thiết kế logo, được nhiều sinh viên luật dán vào laptop, bình giữ nhiệt, in áo phông...

Hải Thư (Theo Law Pof, Law Lesson, Case Mine)

g-news247