Bão Daneil tuần trước tàn phá Hy Lạp, quét qua Địa Trung Hải và tấn công Libya vào ngày 10/9. Lũ lớn làm ngập và phá hủy các nhà cửa ở thành phố Derna, đồng thời tấn công các khu dân cư ven biển lân cận, trong đó có thành phố Benghazi lớn thứ hai đất nước.
Sau cuộc nổi dậy do NATO hậu thuẫn năm 2011, Libya bị chia rẽ về mặt chính trị với hai chính quyền tồn tại song song: chính phủ được Liên Hợp Quốc công nhận ở Tripoli tại miền tây và chính quyền quân sự dẫn dắt ở miền đông.
Chia rẽ chính trị khiến việc xác định số người thiệt mạng trong trận lũ trở nên khó khăn. Ngày 10/9, tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ ước (IFRC) ở Benghazi ước tính số người chết là 150 và có thể tăng lên 250, song khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Derna ở miền đông phần lớn vẫn bị cô lập.
Ahmed Mismari, phát ngôn viên Quân đội Quốc gia Libya (LNA) kiểm soát miền đông Libya, ngày 11/9 thông báo trên truyền hình rằng lũ quét do bão và mưa lớn đã khiến hai con đập trên thượng nguồn thành phố Derna sụp đổ, "quét toàn bộ các khu dân cư cùng cư dân xuống biển".
Chính quyền miền đông ước tính ít nhất 2.000 người thiệt mạng, 5.000-6.000 người mất tích tại Derma, nơi có 100.000 dân.
Các cảnh quay ở Derna cho thấy dòng lũ lớn chảy qua trung tâm thành phố và các tòa nhà đổ nát hai bên. Đài truyền hình Mostkbal ở miền đông đăng tải video cho thấy cảnh nhiều ôtô bị lũ cuốn trôi, người dân mắc kẹt trên nóc xe kêu cứu.
"Mọi người đang ngủ thì choàng tỉnh khi thấy nhà cửa bị nước bao vây", Saleh al-Obaidi, cư dân Derna, nói. Ông cùng gia đình chạy thoát, song ngôi nhà gần thung lũng đã bị lũ kéo sập. Các nhân chứng cho hay lũ có thể dâng cao ba mét.
Hội đồng thành phố Derna nói "tình hình rất thảm khốc và ngoài tầm kiểm soát". Hầu hết các tuyến đường của thành phố đã sụp đổ.
Hoạt động tìm kiếm và cứu hộ đang diễn ra. Giới chức đã ban bố tình trạng "cực kỳ khẩn cấp", đóng cửa trường học, hàng quán, áp lệnh giới nghiêm.
Chính quyền phía đông tuyên bố để tang ba ngày. Abdulhamid al-Dbeibah, thủ tướng lâm thời ở Tripoli, cũng ra quyết định tương tự tại tất cả các thành phố bị ảnh hưởng, gọi đây là "khu vực thảm họa". Hội đồng Tổng thống ở Tripoli yêu cầu cộng đồng quốc tế hỗ trợ.
Các quan chức Liên Hợp Quốc tại Libya đang theo dõi chặt chẽ diễn biến bão lũ, cho biết "sẽ viện trợ khẩn để hỗ trợ nỗ lực ứng phó ở cấp địa phương và quốc gia". Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad al-Thani đã gửi viện trợ tới các khu vực bị ảnh hưởng ở miền đông. Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất có động thái tương tự.
Đức Trung (Theo Reuters, Guardian)