(KTSG Online) – Lượng xe vận chuyển hàng hoá nằm chờ xuất khẩu sang Trung Quốc tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đang có chiều hướng gia tăng trong những ngày qua, trong đó chủ yếu là các xe chở trái cây.
- Vụ ‘tuýt còi’ xuất khẩu trái cây vào Trung Quốc: lỗi tại ai?
Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn thuộc UBND tỉnh Lạng Sơn vừa có báo cáo tình hình xuất nhập khẩu hàng hoá qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tính đến 20 giờ ngày 12-9, tổng số xe chở hàng hoá xuất khẩu nằm chờ tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh là 874 xe. Trong đó, xe chở trái cây vẫn chiếm số lượng lớn nhất với 473 xe; 131 xe chở các loại mặt hàng khác và 270 xe nằm ngoài khu vực cửa khẩu chưa xác định được mặt hàng.
Số lượng xe nằm chờ xuất khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có chiều hướng giá tăng đáng kể trong những ngày gần đây.
Cụ thể, nếu so với ngày trước đó, lượng xe nằm chờ trong ngày 12-9 tăng thêm 101 xe; còn nếu so với ngày 10-9, thì lượng xe nằm chờ tăng 294 xe (ngày 10-9 có 580 xe nằm chờ); tăng 503 xe so với ngày 9-9; tăng 550 xe so với ngày 8-9; tăng 601 xe so với ngày 7-9; tăng 675 xe so với ngày 6-9 và tăng 677 xe so với ngày 5-9…
Lượng xe nằm chờ xuất khẩu tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn gia tăng trong những ngay qua được xác định do lượng xe (nhất là xe chở trái cây) từ nội địa đưa lên gia tăng. Bởi lẽ, năng lực thông quan những ngày qua luôn được duy trì ổn định ở mức trên 1.000 xe mỗi ngày.
Cụ thể, tổng lượng xe thông quan vào ngày 5-9 đạt 1.198 xe; ngày 6-9 là 1.242 xe; ngày 7-9 là 1.214 xe; ngày 8-9 là 1.178 xe; ngày 9-9 là 1.348 xe; ngày 10-9 là 1.258 xe; ngày 11 và 12-9 lần lượt đạt 1.216 và 1.230 xe.
Trao đổi với KTSG Online, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết hoạt động xuất khẩu trái cây của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn được duy trì ổn định, không có chuyện Trung Quốc gây khó dễ hay đóng cửa dẫn đến ùn ứ.
“Phía Trung Quốc không có thông báo nào về việc dừng nhập khẩu cây ăn trái của mình”, ông Nguyên nói và cho biết, trước đây khi xảy ra dịch Covid-19, thì khi đóng cửa biên giới, Trung Quốc đều ra thông báo và dán ở các cửa khẩu, kể cả tiếng Việt và tiếng Trung.
Trước đó, vào ngày 5-9, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đã ký văn bản về việc kiểm soát đối tượng kiểm dịch thực vật tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Theo đó, bà Hương cho biết, đơn vị này đã nhận được thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) về trường hợp phát hiện một số lô hàng bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật trên chuối, xoài, mít, sầu riêng và thanh long của Việt Nam xuất khẩu sang quốc gia này.
Việc không kiểm soát hiệu quả các đối tượng kiểm dịch thực vật ngay từ vùng trồng và cơ sở đóng gói được xác định là nguyên nhân dẫn đến tình trạng các lô hàng không đáp ứng được quy định của Trung Quốc. Điều này, làm mất uy tín hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, thậm chí có nguy cơ làm mất thị trường.
Chính vì vậy, Cục Bảo vệ thực vật ban hành văn bản nêu trên nhằm thông báo, hướng dẫn các chủ mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vi phạm điều tra nguyên nhân và thực hiện các biện pháp khắc phục.
Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt khoảng 3,3 tỉ đô la Mỹ, tăng 68,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam khi chiếm trên dưới 60% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.