Thứ sáu, 22 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Lưu dấu làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước

Thứ ba, 05/09/2023 | 23:43
[G-News24/7] -

Những ngày này, ông Lê Văn Hòa, Giám đốc Bảo tàng Ký ức điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) vẫn miệt mài với việc tìm tòi, sắp xếp những hiện vật cho bảo tàng làng nghề mới chỉ hình thành được hơn 3 tháng. Trong diện tích khoảng chừng 700m2, bảo tàng trưng bày hơn 300 di vật đá có từ 50-100 tuổi đời.

5b-230.jpg

Du khách tìm hiểu các loại đá mỹ nghệ ở Bảo tàng điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước. Ảnh: Bảo tàng cung cấp

Tại khu giới thiệu nghề thợ rèn bày biện những dụng cụ làm đá như búa, đục, mũi xó, mũi bạt, ve, mũi ngô… với nhiều kích thước, hình dáng được sưu tầm từ nhiều cơ sở chế tác lâu đời. Người thợ làm đá ngày xưa phải trải qua khoảng 4 tháng học và làm nghề thợ rèn để sáng tạo ra những dụng cụ phù hợp với mục đích chế tác tác phẩm đá mỹ nghệ.

Theo ông Hòa, bảo tàng ra đời như là nơi gợi ký ức một thời “tay búa tay dùi” của làng nghề đục đá mỹ nghệ. Bởi vậy, khi thành lập bảo tàng, nhiều nghệ nhân hiến tặng các dụng cụ nghề đá vốn lâu nay cất trong rương như kỷ vật. “Bác Minh đã gìn giữ chiếc búa được lưu truyền 3 đời như kỷ vật của dòng họ. Hôm bảo tàng khai trương, bác vì cảm động nên đã bàn với dòng họ tặng kỷ vật này cho bảo tàng”, ông Hòa kể.

Nhìn nhận “hút” khách là yếu tố duy trì bảo tàng, ông Lê Văn Hòa đã thiết kế không gian trưng bày mang đậm chất phương Đông. Bên cạnh cách dựng các trụ tựa như trụ cung đình xưa để đặt vật phẩm, ông còn sử dụng nón, tre hay giấy dó “bọc” lại. Đặc biệt, tại chặng cuối tham quan, ông dày công nghiên cứu, làm các chứng thư chất liệu đá quý dùng để chế tác đá mỹ nghệ, đồ lưu niệm; hướng dẫn cách nhận biết để người dân và du khách khi đến xem sẽ có kiến thức nhất định về đá quý, tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

Là người trực tiếp tham gia thẩm định giá trị và xây dựng các bộ sưu tập trưng bày, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, cho rằng, những tác phẩm đang lưu giữ ở Bảo tàng Ký ức điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước có thể coi là vô giá. Đây là sản phẩm do các nghệ nhân nổi tiếng, tâm huyết với nghề từ thế kỷ trước làm ra như: Nguyễn Sang, Lê Bền, Nguyễn Long Bửu, Nguyễn Việt Minh… Họ là những nghệ nhân đã đi qua năm tháng thăng trầm của làng nghề Non Nước, cả cuộc đời gắn liền với đá để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật sắc nét, độc đáo.

Theo ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở VH-TT TP Đà Nẵng, để tạo điều kiện cho các bảo tàng ngoài công lập theo hướng xã hội hóa, Sở VH-TT đã có chính sách hỗ trợ về mặt pháp lý, nghiệp vụ bảo tàng, công tác trưng bày, bảo quản, thông tin tư liệu và kiểm kê hiện vật. Những thông tin, hình ảnh, câu chuyện về các bảo tàng tư nhân được quảng bá đầy đủ trên kênh thông tin chính thống của ngành du lịch Đà Nẵng cũng như các chiến dịch quảng bá, kết nối điểm đến, qua đó tăng độ nhận diện với du khách về các điểm đến khi đến với Đà Nẵng.

g-news247