Bánh trung thu là sản phẩm được chế biến từ nhiều loại nguyên liệu thực phẩm, gia vị, phụ gia thực phẩm… Từng loại nguyên liệu đều có nguy cơ mất an toàn thực phẩm như: ôi thiu, nhiễm các loại nấm mốc, vi khuẩn gây bệnh... Trong quá trình sản xuất, việc kiểm soát, chế biến, bảo quản không được đảm bảo sẽ dẫn tới sản phẩm dễ bị ô nhiễm, có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.
Nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bản thân và gia đình trong mùa Trung thu đang đến gần, người tiêu dùng cần lưu ý, khi lựa chọn sản phẩm phải có tên của nhà sản xuất, địa chỉ sản xuất, hướng dẫn sử dụng, bảo quản, có ngày sản xuất và hạn sử dụng...
Chỉ mua, sử dụng sản phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng. Mua sản phẩm được bày bán ở những địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh thực phẩm như: có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất. Dùng cảm quan để nhận biết sản phẩm, sản phẩm không bị giập nát biến dạng, bao bì không rách nát, bánh không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ. Tuyệt đối không lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, sản phẩm hết hạn sử dụng.
Bánh mua về phải được bảo quản ở nơi sạch sẽ, được che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản theo đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất. Rửa tay sạch trước khi cắt, chia bánh và trước khi ăn bánh. Không ăn quá nhiều bánh và các thực phẩm giàu đạm, mỡ, đường trong khẩu phần ăn để tránh rối loạn hấp thu thực phẩm. Khi có những bất thường về sức khỏe do ăn uống, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, trợ giúp kịp thời về chuyên môn.
PGS-TS PHẠM KHÁNH PHONG LAN - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM