Thứ tư, 27 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Lý do VSIP mở khu công nghiệp hơn 3.700 tỷ tại Cần Thơ

Thứ hai, 11/09/2023 | 02:12
[G-News24/7] -

Dự án Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh - VSIP Cần Thơ (xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ) có tổng quy mô 900 ha. Giai đoạn một, dự án có diện tích 293,7 ha, tổng vốn đầu tư 3.718 tỷ đồng, vừa khởi động vào ngày 9/9. Đại diện đơn vị cho biết, sau khi đi vào hoạt động, khu công nghiệp dự kiến thu hút 3,5 tỷ USD vốn FDI, tạo việc làm cho 100.000 người.

VSIP Cần Thơ định hướng thu hút các nhóm ngành: điện - điện tử, sản xuất - lắp ráp phương tiện vận tải, cơ khí sản xuất, sản phẩm phụ trợ công nghiệp kỹ thuật, dệt may, thực phẩm - đồ uống, hậu cần - kho bãi. Hạ tầng hoàn thiện với viễn thông, an ninh - quản lý 24/7, nước cấp đạt mức 45.000 m3 mỗi ngày, hệ thống xử lý nước thải, trung tâm thương mại.

z4676885345342-1989d6a216c4b3a-7937-1413-1694305063.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=K87hIe1vW6rrHp-byZRm-w

Dự án có lợi thế về giao thông, kết nối nhiều tỉnh miền Nam. Ảnh: VSIP

Hút nhà đầu tư nhờ thế mạnh kinh tế, hạ tầng

Tại lễ khởi động dự án, ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết Cần Thơ có vai trò trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, y tế của Đồng bằng sông Cửu Long.

Thành phố thành lập vào đầu năm 2004, đến giữa năm 2009 được công nhận đô thị loại 1. Tổng diện tích hơn 1.401 km2 với 9 đơn vị hành chính trực thuộc (5 quận, 4 huyện); 83 đơn vị phường, xã, thị trấn; dân số hơn 1,2 triệu người.

Đây cũng là cửa ngõ giao thông quan trọng, gắn kết các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn với diện tích 40.577 km2 và 18 triệu người. Nằm ở nút giao cao tốc trục dọc và trục ngang, từ Cần Thơ dễ dàng đến TP HCM trong ba giờ. Khu công nghiệp tiếp giáp ba tỉnh: Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang; kết nối hệ thống cảng, sân bay và các tiện ích của trung tâm thành phố.

Cơ sở hạ tầng thành phố được đầu tư các công trình giao thông trọng điểm: sân bay Quốc tế Cần Thơ, cảng Cái Cui, cảng Cần Thơ cùng các tuyến quốc lộ 1A, 80, 91, 91B, đường Nam sông Hậu. Thành phố cũng đang tập trung nguồn lực nhằm triển khai nhiều dự án: đường vành đai phía tây, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

VSIP-Hinh-phoi-canh-9879-1694305063.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=A19L5oQ688L2rWDa5xchSg

Phối cảnh khu công nghiệp VSIP Cần Thơ giai đoạn 1. Ảnh: VSIP

Về phía nhà đầu tư, ông Koh Chiap Khiong Giám đốc điều hành Sembcorp Industries thị trường Singapore và Đông Nam Á đánh giá phát triển cơ sở hạ tầng là nền tảng kích thích nền kinh tế địa phương của Cần Thơ. Chính quyền thành phố liên tục cải thiện các điều kiện về cơ sở hạ tầng, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn. Yếu tố này hấp dẫn các nhà đầu tư, trong đó có VSIP Group.

Hiện toàn thành phố có sáu khu công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy 68%. Các khu công nghiệp này thu hút 256 dự án đầu tư, cho thuê 393,5 ha đất công nghiệp, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1.656 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 1.075 tỷ USD, chiếm 65% tổng vốn đầu tư đăng ký. Qua đó mang đến việc làm cho 43.177 lao động. VSIP Cần Thơ sẽ là khu công nghiệp thứ bảy tại đây.

Sẽ thay đổi ngành công nghiệp miền Tây

Ông Koh Chiap Khiong cho biết VSIP dự định phát triển dựa trên thế mạnh của Cần Thơ, định hướng trở thành trung tâm chế biến và phân phối thực phẩm. Đơn vị thiết lập mạng lưới hậu cần "từ trung tâm đến cảng" với các cơ sở bổ sung để hỗ trợ và tăng cường nhu cầu về chuỗi cung ứng của khách thuê. Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu mong muốn VSIP sẽ hướng tới phát triển thành một khu công nghiệp "bốn trong một" - tích hợp trung tâm công nghiệp, trung tâm công nghệ cao, trung tâm dịch vụ và khu dân cư. Đây cũng là tầm nhìn mà đơn vị hướng.

Với mô hình kể trên, dự án VSIP Cần Thơ được các lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương kỳ vọng về tiềm năng phát triển.

Trong lễ khởi động, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá dự án tạo động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ, vùng tứ giác Long Xuyên. Khu công nghiệp sẽ thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, tạo cú huých quan trọng góp phần thay đổi, phát triển thành phố. Dự án cũng tạo tiền đề nhằm nhân rộng mô hình đến các địa phương khác.

VSIP đại diện cho mô hình khu công nghiệp tiên phong, kiểu mẫu với cơ sở hạ tầng hiện đại, phát triển bền vững. Từ đó, dự án tạo động lực quan trọng trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương, hình mẫu cho quan hệ hợp tác giữa Chính phủ cùng cộng đồng doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Singapore.

z4676913770420-74a8fff5dcd3b69-9973-4855-1694305063.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=WDCcoviWC-7ao0NgHF9yGQ

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận định dự án có nhiều ý nghĩa trong thúc đẩy kinh tế thành phố và khu vực. Ảnh: Thành Nguyễn

Thứ trưởng cho rằng, thời gian tới dự án cần thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, phát triển khu công nghiệp theo định hướng ưu tiên chế biến, chế tạo, áp dụng công nghệ 4.0, công nghiệp xanh, công nghiệp tái tạo.

"Chúng tôi cam kết sẽ phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các hoạt động đầu tư kinh doanh triển khai thành công, hiệu quả", đại diện Bộ khẳng định.

z4677059951920-357548646a216e6-2629-7058-1694305063.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=DyATo-PNA1AmzG85Zn47Aw

Lãnh đạo các đơn vị thực hiện nghi thức khởi động dự án ngày 9/9. Ảnh: Thành Nguyễn

Công ty Liên doanh TNHH KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) hiện đầu tư 17 khu công nghiệp tại 13 tỉnh, thành Việt Nam; tổng quy mô diện tích 8.138 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2.290 tỷ USD. Hệ sinh thái từ đơn vị cung cấp môi trường làm việc cho 880 khách hàng từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, thu hút 18,7 tỷ USD tổng vốn đầu tư FDI; tạo việc làm cho gần 300.000 nhân viên

Minh Tú

g-news247