Thứ hai, 25 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

'Make thing'

Thứ ba, 05/09/2023 | 18:29
[G-News24/7] -

Gần đây, tôi không thể không để ý đến chuyện thủ khoa tốt nghiệp THPT mà vẫn trượt Bách khoa Hà Nội. Quả thật là hy hữu. Hai em có tổng điểm thi ba môn là 29,35 (môn Toán 9,6 điểm) vẫn trượt nguyện vọng một vào chương trình IT1 hay Khoa học Máy tính, của trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông (SoICT) thuộc Bách khoa Hà Nội. Hiệu trưởng SoICT đã đăng đàn giải thích rõ ràng: toán chỉ được 9,6 là chưa đủ tốt. 10 mới là khó. Mà vào Bách khoa là phải làm việc khó.

Tên tuổi của Bách khoa Hà Nội lại "nổi sóng". Nhiều người biết chuyện cảm thấy choáng. Nhưng ngay cả những người phê phán hiện tượng "bất thường" này cũng "gato" với chất lượng đầu vào của Bách khoa: "Wow, học sinh tốt thế này, dạy kiểu gì chẳng thành công". Xây dựng được một trường đại học chất lượng tốt, đủ hấp dẫn để giữ chân tài năng bây giờ thật là một việc khó.

Nhưng tôi vẫn băn khoăn. Bách khoa Hà Nội là lá cờ đầu của giáo dục đại học Việt Nam và cũng là trường đại học kỹ thuật đầu tiên do nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa tự chủ thành lập và điều hành. Thương hiệu kỹ sư Bách khoa nổi tiếng từ xưa đến nay không chỉ là học giỏi mà quan trọng là làm giỏi. CTO một công ty nổi tiếng của Mỹ từng nói với tôi: Học engineer (kỹ sư) là học cách "make thing"- tức là làm ra sản phẩm.

Mẹ tôi, lúc vào khóa một, thậm chí còn phải học bổ túc văn hóa sáu tháng cật lực cho đủ trình độ phổ thông. Vậy mà khi thôi công tác giảng dạy, vào Sài Gòn tiếp quản phân Viện Dệt năm 1981, bà đã xắn tay cùng các cộng sự đưa ra những sản phẩm tơ tằm đầu tiên, thừa đủ nuôi nhân viên và chuyển giao công nghệ cho các nhà máy. Thời tôi mới học lập trình, không ai không biết BKED của thầy Quách Tuấn Ngọc. Đến thời Internet, ai cũng dùng BKAV của Nguyễn Tử Quảng. Cựu sinh viên Bách khoa Hà Nội đứng sau nhiều công trình công nghiệp tại miền Bắc trước đây và cả nước sau này.

Nhưng có vẻ đó đều là quá khứ. Nước ta, giờ có cảm giác chỉ còn nông dân là vẫn miệt mài "make thing". Việt Nam có xác suất cao trở thành một quốc gia không biết sản xuất, đành phải "ngồi mát hưởng thụ" sản phẩm của thế giới.

Nên tôi có ước mơ, nếu Bách khoa Hà Nội thực sự tin trường mình là nơi để làm việc khó, hãy mạnh dạn từ bỏ việc tuy khó nhưng vẫn dễ là tuyển sinh theo điểm cao chót vót, để tuyển những sinh viên thực sự có năng lực tạo ra được sản phẩm trọn vẹn, dù nhỏ nhất. Đây có lẽ là một việc rất khó.

Tôi chưa biết bài kiểm tra nào sẽ phù hợp để đánh giá những học sinh có khả năng "make thing" và giáo trình dạy "make thing" ở bậc đại học sẽ phải như thế nào. Nhưng gần đây, một nhóm cựu sinh viên Đại học Bách khoa, ngành Điện - Điện tử, đang "make a lot of things - chế ra rất nhiều sản phẩm", đã hợp tác với một chương trình đào tạo đại học trực tuyến để đưa ra một giáo trình mới, tối ưu hóa nội dung các bạn đã được học ở Bách khoa Hà Nội, với cam kết rằng, sinh viên học theo chương trình này, phải và có thể "make thing" ngay từ những buổi học đầu tiên.

Tôi tin, chính các thế hệ sinh viên đã tốt nghiệp, biết ứng dụng việc học để làm ra những sản phẩm có ích, mới là sức mạnh, là động lực để Bách khoa Hà Nội có thể bước lên, gánh lấy việc khó khăn, đào tạo ra những thế hệ sẽ góp sức thúc đẩy nền công nghiệp sản xuất, chế biến, chế tạo của Việt Nam.

Nhìn rộng ra, nếu ngày càng nhiều trường dám đổi mới tiêu chí, cách thức tuyển sinh cũng như giáo trình đào tạo, giáo dục đại học Việt Nam mới có cơ hội thoát khỏi con đường chạy đua điểm số.

Nguyễn Thành Nam

g-news247