Thứ sáu, 29 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Mang tính chất… phong trào

Thứ tư, 20/09/2023 | 23:26
[G-News24/7] -Tin liên quan

Phạt cao nhất tới 1 triệu đồng nếu không phân loại rác sinh hoạt

Phạt từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng nếu không phân loại rác tại nguồn

Hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn

Cô Bùi Diệu Tâm (ngụ hẻm 25 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Đa Kao, quận 1) cho biết, hẻm 25 đã được thí điểm PLRTN từ năm 2013. Ban đầu người dân rất đồng tình thực hiện. Tuy vậy, do thường xuyên thấy công nhân gom rác, nhất là lực lượng rác dân lập, bỏ chung tất cả bịch rác mà người dân đã phân loại vào chung một thùng nên cô Tâm và người dân rất bức xúc, cảm giác công sức của mình thành công cốc. Từ đó, người dân trong hẻm không còn mặn mà với việc phân loại rác.

Còn chị Lê Thị Hoa (ngụ đường Đỗ Xuân Hợp, TP Thủ Đức) tâm tư, rất hưởng ứng thực hiện PLRTN nhưng lại băn khoăn về việc sau phân loại. “Nhiều người thu gom rác chỉ nhặt riêng những thứ có thể bán được, còn lại tất cả vứt chung lên xe. Việc này khiến chuyện phân loại rác thải không còn ý nghĩa nữa”, chị Lê Thị Hoa chia sẻ.

Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, nhiều người dân trên các địa bàn của thành phố đã thí điểm PLRTN như một số khu vực tại quận 3, 8, Bình Thạnh, đều tỏ ra không còn hứng thú với việc phân loại rác. Bởi vì, người dân đã có ý thức nhưng người thu gom, phương tiện vận chuyển, khu vực tập kết chưa đồng hành thì cũng không mang lại hiệu quả mong muốn.

Đánh giá về thực trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng, chủ yếu do các chương trình PLRTN ở TPHCM phần lớn chỉ mang tính thử nghiệm, phong trào, chưa đủ mạnh, chưa có sự đồng bộ, quyết liệt từ ngành chức năng. Hoạt động PLRTN chỉ thực sự thành công khi chính các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý và người dân có chuyển biến về nhận thức và sẵn sàng tham gia một cách nghiêm túc, có kỷ luật trong việc phân loại, tái chế rác thải.

Để nâng cao hiệu quả chương trình PLRTN, lãnh đạo Sở TN-MT cho biết sẽ tiếp tục tham mưu UBND TPHCM chỉ đạo các sở ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện phối hợp các đoàn thể trong hệ thống chính trị như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Công đoàn, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật, các viện, trường tuyên truyền hướng dẫn PLRTN theo Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Theo chia sẻ từ một số cán bộ ở nhiều quận huyện, công tác PLRTN đang có rất nhiều quy định, quyết định, khiến cho việc tuyên truyền thực hiện PLRTN gặp khó. Đại diện Phòng TN-MT quận 1 cho biết, trước khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực, TPHCM đã triển khai kế hoạch PLRTN thành 2 loại theo Quyết định 09/2021.

Đến khi luật mới có hiệu lực từ năm 2022 thì triển khai thành 3 loại: rác có khả năng tái sử dụng, tái chế; rác thải thực phẩm; rác thải sinh hoạt khác. Luật đã thay đổi nên quận cũng phải triển khai lại từ đầu. Từ năm 2013, Sở TN-MT cũng phối hợp với UBND quận 1 tổ chức thí điểm phân loại chất thải rắn tại nguồn cho khoảng 100 hộ dân tại phường Bến Nghé (chương trình nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa TPHCM và TP Osaka - Nhật Bản). Từ cuối năm 2014, UBND TPHCM đã chỉ đạo từng bước triển khai nhân rộng chương trình ra toàn phường Bến Nghé, quận 1 và thí điểm mô hình cho quận 3, 5, 6, 12, quận Bình Thạnh…, nhưng hiện chưa triển khai được là bao.

Ở góc độ quản lý, đại diện Phòng Quản lý chất thải rắn (Sở TN-MT TPHCM) cũng nhận định, do hạ tầng kỹ thuật chưa được trang bị, đầu tư đồng bộ, đúng tiêu chuẩn từ trạm trung chuyển đến phương tiện thu gom nên hiệu quả hoạt động PLRTN không cao. Đơn cử, chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn được UBND TPHCM chỉ đạo thực hiện thí điểm tại 14 phường của quận 6 từ năm 2008, nhưng sau đó phải ngưng thực hiện do hệ thống kỹ thuật chưa đồng bộ, chưa có nhà máy tiếp nhận và xử lý chất thải hữu cơ.

- TS ĐINH THỊ THANH NGA, Khoa Luật, Trường Đại học Sài Gòn:

Hỗ trợ nhiều hơn cho lực lượng thu gom rác dân lập

Trên địa bàn TPHCM hiện nay, khoảng 60% rác sinh hoạt được thu gom bởi lực lượng thu gom rác dân lập, trong khi đây chỉ là những đơn vị có quy mô nhỏ, còn nhiều khó khăn về vốn. Vì vậy, thành phố cần hỗ trợ nhiều hơn cho lực lượng thu gom rác dân lập trong việc vay vốn để chuyển đổi xe thu gom rác thành loại xe 2 ngăn. Đồng thời, tuyên truyền cho người thu gom rác dân lập biết các quy định về phân loại rác tại nguồn. Nếu có sự đồng bộ giữa đơn vị thu gom và người dân thì công tác này hiệu quả hơn.

- PGS-TS NGUYỄN ĐÌNH TUẤN, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM:

Thu phí thông qua bán bao bì đựng rác

Thu phí thu gom, xử lý chất thải rắn theo khối lượng là một trong những nguyên tắc phổ biến trên toàn thế giới trong công tác bảo vệ môi trường: Người gây ô nhiễm phải trả phí. Ở lãnh thổ Đài Loan thu phí thu gom, vận chuyển, tái chế rác theo khối lượng rác thải ra bằng cách bán túi nhựa chứa rác cho các hộ dân với giá khoảng 50 NT (khoảng 25.000 đồng) cho một bao rác 20kg, hộ nào thải nhiều rác thì phải trả nhiều tiền mua túi đựng rác. Biện pháp này ngoài việc đảm bảo công bằng cho người dân, còn có tác dụng thúc đẩy người dân phân loại rác tại nguồn để tái sử dụng, tái chế. TPHCM vẫn thu phí thu gom, xử lý theo bình quân hộ gia đình, có thể tham khảo cách làm này của Đài Loan.

- PGS-TS NGUYỄN HỒNG QUÂN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TPHCM:

Đồng bộ các giải pháp

Để công tác phân loại rác tại nguồn thật sự có hiệu quả rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Các cơ quan nhà nước phải tuyên truyền cho người dân thấy được những lợi ích khi họ thực hiện phân loại rác; đối với các đơn vị thu gom cần phải nhanh chóng thực hiện chuyển đổi các phương tiện thu gom theo đúng yêu cầu. Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã có hiệu lực, trong đó có nhiều điều khoản quy định thực hiện việc phân loại rác tại nguồn, các cơ quan chức năng cần áp dụng và triển khai luật này một cách quyết liệt, hiệu quả hơn. Phân loại rác tại nguồn không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho người dân mà còn góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, nâng cao hiệu quả xử lý chất thải rắn, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.

HẢI HÀ

MINH HẢI
g-news247