Hiện nay, rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học đang bị thất nghiệp. Nguyên nhân thì có rất nhiều, trong đó có một lý do là khả năng ngoại ngữ của họ chưa đáp ứng được chuẩn yêu cầu của nhà tuyển dụng. Việc bạn có chuyên môn tốt chỉ là một phần tiêu chí trong yêu cầu tuyển dụng.
Đa phần, đầu tiên nhà tuyển dụng thường phỏng vấn, kiểm tra những kỹ năng ngoài chuyên môn qua điện thoại. Nếu bạn không đạt thì sẽ bị loại ngay từ đầu. Vòng thứ hai, họ sẽ phỏng vấn trực tiếp, để người có chuyên môn sẽ gặp ứng viên, trao đổi cụ thể nhiều vấn đề. Vậy nếu bạn có chuyên môn tốt mà ngoại ngữ kém thì làm sao qua được vòng một để đi tiếp?
Tôi từng làm việc cho một công ty FDI của Nhật Bản, sản xuất hàng điện tử. Ngôn ngữ chính giao tiếp, tài liệu sản xuất trên văn phòng đều bằng tiếng Anh. Vậy nên tuyển dụng kỹ sư, nhân viên văn phòng đầu vào, yêu cầu tối thiểu là phải sử dụng được tiếng Anh, gồm bốn kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết).
Khi công ty phát triển một sản phẩm nào đó, nhiều lúc họ phải đưa cấp quản lý, kỹ sư sang nước ngoài đào tạo về công nghệ vài tuần. Vậy khi bạn giỏi chuyên môn mà ngoại ngữ không tốt thì làm cách nào để công ty đưa bạn ra nước ngoài học về công nghệ mới? Khi bạn tiếp xúc với các kỹ thuật viên, kỹ sư của các nhà cung cấp thiết bị chuyển giao cho công ty, bạn làm việc trực tiếp với họ bằng cách nào đây? Hay công ty phải thuê thêm thông dịch viên riêng cho bạn?
>> Tốn chục triệu đồng mỗi tháng luyện thi IELTS
Nói về chuyện học ngoại ngữ, hai con trai của tôi bắt đầu ra trung tâm học ngoại ngữ từ lớp 2, mỗi tuần học ba tiếng. Trước khi vào lớp 12, hai con đã có chứng chỉ IELTS. Mục đích thi lấy chứng IELTS của con tôi là để hết học kỳ I lớp 12 con có thể làm hồ sơ đăng ký tham gia bài thi năng lực TestAS của một trường đại học quốc tế. Kết quả, con đã đậu vào đại học trước khi thi tốt nghiệp THPT. Cuối tháng 9 này, con tôi mới bảo vệ đề án tốt nghiệp ngành Machanical engineering (kỹ thuật cơ khí). Tấm bằng đại học có giá trị toàn cầu.
Phần lớn đại học trong nước hiện nay hiện chưa đem lại giá trị tương xứng với số tiền sinh viên bỏ ra và cũng không đảm bảo nghề nghiệp sau khi ra trường. Tôi không thần thánh hóa ngoại ngữ, nhưng nó rất cần để bạn, con bạn có cơ hội lĩnh hội kiến thức chuyên ngành từ giáo sư của các nước phát triển; có cơ hội học được nhiều thứ khác đang chờ phía trước, và làm việc trong những môi trường tốt hơn.
Hung
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- Tầm nhìn ngắn hạn 'khi nào cần mới học tiếng Anh'
- 'Học tiếng Anh mệt mỏi vì mông lung, không mục đích'
- Tôi chẳng biết học tiếng Anh để làm gì
- Loay hoay với tư tưởng '30 tuổi khó học tiếng Anh'
- Lên chức trưởng phòng mới hối hận vì kém tiếng Anh
- 'Trình độ tiếng Anh lớp 3 dù học chuyên Anh lớp 9'