“Lợi mình-lợi người”
Mô hình tăng trưởng luôn là mối quan tâm của mỗi quốc gia. Công cuộc kinh doanh của một doanh nghiệp, hay phát triển kinh tế của một đất nước, rốt cuộc để đạt mục đích gì? Câu hỏi tưởng dễ và cũng dễ bị ngộ nhận. Rất nhiều người cho rằng kinh doanh, hay phát triển kinh tế là để làm giàu, đời sống vật chất của mỗi người sung túc hơn. Quan niệm đó chỉ đúng một phần.
Từ hơn hai ngàn năm trước, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã chỉ ra sự sai lầm khi chúng ta đồng hóa vật chất với niềm vui và hạnh phúc, an lạc. Cho nên ta bị vật chất chi phối một cách rất nghiêm trọng. Đạo Phật luôn khuyến khích chúng ta cảm nhận được hạnh phúc chân thật. Hạnh phúc chân thật nghĩa là “lợi mình - lợi người” ở cả khía cạnh vật chất và tinh thần.
Ở khía cạnh vật chất, phát triển kinh tế làm cho cuộc sống mỗi người sung túc hơn, có điều kiện chăm sóc sức khoẻ và gia đình. Ở khía cạnh tinh thần, mỗi người được bố trí hoặc tự đặt mình vào vị trí có thể phát huy hết khả năng của mình. Dù trong hoàn cảnh mưu sinh bận rộn thế nào cũng dành thời gian nhìn lại chính mình, có cơ hội tận hưởng được những tình cảm thân yêu của những người xung quanh.
Tư tưởng “lợi mình - lợi người” trong phát triển kinh tế của Đạo Phật thấm đượm trong nhân gian suốt hai nghìn năm qua, và có nhiều chứng nhân được biết đến trong lịch sử. Điển hình là Nguyễn Công Trứ - một vị quan trải qua ba đời vua của triều Nguyễn. Hậu thế khi nói về ông, đều nhắc đến sự nghiệp kinh bang tế thế lẫy lừng.
Với chức trách Doanh điền sứ đã khai dân lập ấp mở mang ra hai huyện Kim Sơn (thuộc Ninh Bình), Tiền Hải (Thái Bình), một vài xã khác thuộc Nam Định. Từ đó, người dân nơi đây có sông nước để thả rau muống, đặt bè nuôi tôm nuôi cá, vừa có thủy sản vừa có nông phẩm, vừa có phần đất thuần hóa lâu đời để làm nhà làm cửa, vừa có phần đất bồi sớm muộn mà canh tác. Xã nào cũng có phần đất giáp biển nên đều có trách nhiệm bảo vệ đê biển. Cuộc sống từ đó và mãi mãi ấm no, ít có nơi nào ở đồng bằng Bắc Bộ sánh kịp trong tình hình kinh tế nông nghiệp.
Còn Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ làm xong việc khai dân lập ấp với tinh thần “lợi mình-lợi người” đã giao lại công cuộc phát triển kinh tế đang lên cao cho người bản địa, vui vẻ ra đi làm nhiệm vụ khác không một chút tơ vương, chỉ để lại lòng tri ân đời đời của người dân nơi đó. Sự nghiệp cao cả của Nguyễn Công Trứ là đặt người dân vào vị trí tiên phong trong khai khẩn làm ăn; lợi lộc - người dân hưởng, trách nhiệm (bảo vệ đê biển) - người dân gánh vác.
Mô hình tăng trưởng vì nhân sinh
Tinh thần phát triển bền vững của Đạo Phật thấm nhuần trong dân gian, trao truyền kết nối qua nhiều thế hệ, đã được Đảng ta vận dụng, phát huy ở tầm cao mới, điển hình là chiến lược đổi mới mô hình tăng trưởng. Đây chính là việc xác lập khuôn khổ chung, hay mô thức chung định hướng vận hành nền kinh tế trên cơ sở tối ưu hóa các nguồn lực của quốc gia với một cơ cấu nền kinh tế hợp lý, hiệu quả, hiện đại, nhằm đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao theo hướng phát triển bền vững, trong đó, con người được đặt vào vị trí trung tâm. Qua các Đại hội Đảng toàn quốc, tư tưởng “con người là mục tiêu và động lực trong đường lối phát triển kinh tế” ngày càng được thể hiện rõ nét.
Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta khẳng định: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân”. Trên cơ sở đó, trong phát triển kinh tế, quan điểm của Đảng là: “Phân định rõ quyền của người sở hữu, quyền của người sử dụng tư liệu sản xuất và quyền quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế, bảo đảm mọi tư liệu sản xuất đều có người làm chủ, mọi đơn vị kinh tế đều tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình. Quan hệ phân phối bảo đảm công bằng và tạo động lực cho phát triển”.
Đồng thời, quan tâm đến những vùng, những đối tượng yếu thế trong xã hội: “Bảo đảm phát triển hài hoà giữa các vùng, miền; thúc đẩy phát triển nhanh các vùng kinh tế trọng điểm, đồng thời tạo điều kiện phát triển các vùng có nhiều khó khăn”.
Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, chất lượng nguồn nhân lực được đặt là một trong những vấn đề trung tâm. Mô hình tăng trưởng được xác định là kết hợp giữa phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới và sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế, phát triển nhanh và bền vững; giải quyết hài hòa giữa mục tiêu trước mắt và lâu dài, giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Trong 6 nhiệm vụ trọng tâm, có 3 nhiệm vụ nói về phát huy yếu tố con người: “Tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ)”; “Thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của Nhân dân. Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”; “Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh”.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, nguồn nhân lực tiếp tục được nhấn mạnh, đồng thời nói rõ hơn về cách thức phát triển và sử dụng nguồn lực con người:
- “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới”;
- “ Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hoá thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hoá. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”.
- “ Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; có chính sách cụ thể phát triển văn hoá đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”.
Đón tin vui từ thị trường Mỹ, “sóng” sẽ nổi ở nhóm cổ phiếu xuất khẩu cá tra? Kiên Long