Trường đại học, cao đẳng chật vật thuê mướn cơ sở đào tạo
Mặc dù điều kiện về cơ sở vật chất không đạt tiêu chí để xác định chỉ tiêu theo quy định hiện hành (tiêu chí diện tích sàn xây dựng và tiêu chí tỷ lệ sinh viên/giảng viên) nhưng chỉ tiêu hàng năm của một số trường vẫn tăng lên, ngành mới vẫn cứ mở…, do vậy ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo là điều hiển nhiên.
Mới đây, 4.000 sinh viên (tân sinh viên và sinh viên các khóa trước) của Trường ĐH Mở TPHCM bất ngờ nhận thông báo dời về học tại cơ sở 3 ở huyện Nhà Bè (TPHCM). Việc thay đổi bất ngờ này khiến sinh viên, giảng viên và phụ huynh bức xúc.
Bởi việc trả lại cơ sở thuê tại địa điểm 371 đường Nguyễn Kiệm, phường 3, quận Gò Vấp (TPHCM) đã được tính từ cuối năm 2022, thế nhưng trong đề án tuyển sinh năm 2023, Trường ĐH Mở TPHCM vẫn để cơ sở đào tạo tại địa chỉ này!
Hiệu trưởng một trường đại học công lập tại TPHCM nhìn nhận, việc thuê mướn cơ sở vật chất chắc chắn ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, uy tín của các trường. Thuê cơ sở vật chất thì các trường không thể đầu tư nhiều máy móc, trang thiết bị cho đào tạo. Bản thân các trường không muốn đi thuê cơ sở vật chất, nhưng cái khó là hiện nay không cho phép xây dựng trường đại học, cao đẳng trong nội thành, nhiều trường dù có đất cũng không thể xây dựng.
Luật Giáo dục Đại học năm 2018 không cấm các trường đi thuê cơ sở vật chất. Tuy nhiên, bản thân các trường phải nghiêm túc nhìn nhận và có lộ trình khắc phục tình trạng này. Cùng với đó, Bộ GD-ĐT cần quyết liệt hạn chế việc mở ngành, tăng chỉ tiêu trong khi cơ sở vật chất của trường là đi thuê.
Đồng thời, các trung tâm kiểm định chất lượng không thể “nhắm mắt” để trao giấy chứng nhận trường, chương trình đạt chuẩn kiểm định khi còn tình trạng thuê mướn cơ sở vật chất. Nếu các cơ quan quản lý không siết lại tình trạng trường đại học thuê cơ sở vật chất nhưng năm nào cũng mở ngành mới, tăng chỉ tiêu thì vẫn còn thiếu trách nhiệm trong kiểm soát chất lượng và đảm bảo quyền lợi của người học.
THANH MINH