Năm 2011, San Francisco là thành phố đầu tiên mở tài khoản tiết kiệm đại học cho học sinh mẫu giáo các trường công lập, với 50 USD (khoảng 1,2 triệu đồng) có sẵn trong mỗi tài khoản.
Yadira Saavedra, hiện 17 tuổi, là một trong hơn 600 học sinh của thành phố nhận hỗ trợ tài chính từ chương trình này, được gọi là K2C. Bố mẹ của Yadira đã tích lũy được 2.200 USD trong tài khoản. Số tiền này đã thay đổi quan điểm của Yadira về việc học đại học.
"Gia đình luôn muốn em học đại học, nhưng em thì không. Em thật sự không biết đi học sẽ tốn bao nhiêu, chỉ biết đó là một số tiền lớn", Yadira nói. Thế nhưng, nhờ khoản tiết kiệm, em sẽ trở thành sinh viên của Đại học California-Davis vào mùa thu này. Yadira dự định học ngành Khảo cổ học hoặc Xã hội học.
Để chi trả học phí, Yadira phải dựa vào nhiều nguồn, bao gồm tiền tiết kiệm và chính sách hỗ trợ học phí theo nhu cầu. "Như vậy là em có hy vọng để học đại học và em rất tự hào về điều đó", cô bày tỏ.
José Cisneros, Thủ quỹ thành phố San Francisco, cho rằng chương trình tiết kiệm đã tạo nên sự khác biệt. Từ khi bắt đầu, số dư đã đạt mức 15 triệu USD. José cho rằng mỗi đô la đều đại diện cho nỗ lực của các gia đình.
Theo một nghiên cứu của Trường Công tác xã hội George Warren Brown (Đại học Washington), dù chỉ tiết kiệm được ít hơn 500 USD, con em các gia đình thu nhập thấp đến trung bình vẫn có khả năng đăng ký vào trường đại học cao gấp ba lần. Khả năng tốt nghiệp đại học cũng cao hơn bốn lần so với những người không có tài khoản tiết kiệm.
"Không chỉ đơn giản là mở tài khoản tiết kiệm nữa, đây thật sự là một công cụ khuyến khích học đại học", Brandee McHale, Giám đốc Đầu tư và Phát triển của Tập đoàn Citi, đơn vị giúp triển khai chương trình K2C, nhìn nhận.
Sự thành công của chương trình đã lan tỏa khắp cả nước. Đến nay, hơn 120 chương trình tài khoản tiết kiệm cho trẻ em được triển khai ở 39 tiểu bang. Thành phố New York, Boston và Los Angeles đều có những chương trình riêng bao gồm các khoản hỗ trợ bổ sung và tặng thưởng cho các bố mẹ tiếp tục tích lũy.
Năm ngoái, California triển khai CalKIDS, chương trình mở tài khoản tiết kiệm dành cho trẻ em lớn nhất nước Mỹ. Tiểu bang này đã phân bổ 1,9 tỷ USD để tài trợ cho các tài khoản tiết kiệm đại học. 3,7 triệu học sinh công lập trong các gia đình thu nhập thấp được cho 500 USD vào tài khoản. Trẻ em ở các trung tâm bảo trợ hoặc trẻ em vô gia cư được nhận thêm 500 USD.
Số tiền tiết kiệm này có thể chuyển sang tài khoản 529, một tài khoản tích lũy cho giáo dục được hưởng nhiều ưu đãi về thuế.
Chi phí giáo dục đại học hiện là vấn đề nóng tại Mỹ. Theo College Board, một tổ chức về giáo dục, học phí đại học đã tăng hơn gấp đôi trong 20 năm qua. Năm ngoái, sinh viên cần trả 10.940 USD mỗi năm nếu theo chương trình 4 năm ở các trường công lập. Còn học phí mỗi năm học ở trường tư thục là 39.400 USD. Cộng thêm các chi phí khác, con số này có thể lên tới 70.000 USD một năm.
Điều này khiến nhiều sinh viên không còn tha thiết vào đại học, hoặc tính toán rất kỹ, lựa chọn những ngành học có khả năng kiếm việc làm cao.
Phương Anh (Theo CNBC)