(KTSG Online) – Hai mươi năm trước, mô hình “tát mương bắt cá” là điểm nhấn du lịch nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long. Và hiện tại, 13 tỉnh khu vực này đều có… “tát mương bắt cá”. Sự trùng lặp khiến du lịch nông nghiệp kém hấp dẫn du khách, để phát triển bền vững, mỗi địa phương cần có sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc trưng riêng.
- Rồi đây du lịch phải bền vững mới có khách
- Du lịch y tế: Thị trường tỉ đô la chờ đợi khai thác
Đó là ý kiến của bà Phan Yến Ly, Giám đốc Công ty Tư vấn, Truyền thông và Sự kiện Cánh Cam, chia sẻ trong một diễn đàn phát triển du lịch nông nghiệp do báo Nông nghiệp phối hợp cùng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM, tổ chức sáng 22-9.
Trao đổi ý kiến trong sự kiện, các diễn giả tham dự cũng đưa ra những giải pháp cụ thể, nhằm thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp bền vững.
Cần có sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc trưng
Từ góc nhìn của nhà lữ hành, bà Phan Yến Ly cho rằng loại hình du lịch nông nghiệp đang phát triển nhưng chưa đi đúng hướng và thiếu bền vững; các sản phẩm sao chép, na ná giống nhau khắp các vùng miền gây ra sự cạnh tranh giữa các địa phương với nhau.
Bà đề xuất các sản phẩm du lịch nông nghiệp nên dựa trên thế mạnh của từng địa phương. Ví dụ như vùng Đồng bằng Bắc bộ có thể tập trung khai thác các tour làng nghề, văn hóa làng quê; miền duyên hải miền Trung cần đề cao đời sống ngư dân, diêm dân…; vùng Tây Nguyên cần định hướng phát triển các tour trang trại cà phê và hoa; miền Đông Nam bộ có thể phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn.
Phát triển du lịch nông nghiệp gắn với lợi ích cộng đồng
Bà Ngô Thị Thu Trang, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn – Saemaul Undong, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM, cho rằng nếu không có các hoạt động tạo thu nhập ở vùng nông thôn thì các dòng di dân từ nông thôn lên đô thị sẽ ngày càng mạnh mẽ. Khi du lịch nông nghiệp phát triển sẽ có thêm việc làm cho giới trẻ, họ có thêm “không gian” để họ tận dụng những cảnh sắc làng quê thanh bình, nét văn hóa đa dạng, sản phẩm nông nghiệp phong phú… để làm du lịch.
“Điều quan trọng của du lịch nông nghiệp – nông thôn là kết nối giá trị kinh tế, giá trị văn hóa và nhân văn, cũng như giải quyết những vấn đề di dân và nâng cao thu nhập của người dân địa phương”, bà Trang nhấn mạnh.
Chia sẻ về việc phát triển du lịch nông nghiệp gắn với lợi ích cộng đồng, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định tính bền vững xã hội ở vùng nông thôn sẽ được đảm bảo khi du lịch nông nghiệp tạo cơ hội cho người dân thiếu việc làm ở vùng nông thôn kiếm thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị.
Ngoài ra, các diễn giả cũng cho rằng việc kết hợp giữa phát triển du lịch nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP là một trong những giải pháp khơi dậy tiềm năng, lợi thế của khu vực nông thôn, góp phần đa dạng các ngành nghề dịch vụ nông thôn để tăng thu nhập của người nông dân…
Xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch nông nghiệp
Ông Phan Bảo Giang, Trưởng khoa Marketing Trường Đại học Kinh tế – Tài chính TPHCM, nêu quan điểm cần xây dựng thương hiệu tại các điểm du lịch nông nghiệp. Để làm được điều đó, cần có chiến lược rõ ràng, trong đó xác định rõ mục tiêu, định hướng phát triển, các giải pháp và nguồn lực thực hiện.
“Thương hiệu là thứ vô hình và chỉ được nhận biết thông qua cảm nhận. Nó cần được chuyển hóa thành những thứ cụ thể như logo, bao bì, bài hát, đại sứ thương hiệu… Nhưng logo, bao bì, bài hát, đại sứ… không thể tạo nên được thương hiệu nếu không được tạo dựng, duy trì và phát huy một cách có chiến lược”, ông Giang nói.
Ông Giang cho rằng, để xây dựng thương hiệu cho điểm đến du lịch nông nghiệp, cần có sự phối hợp của nhiều bên, bao gồm Chính phủ và các bộ, ngành; cơ quan quản lý du lịch các địa phương; cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là cộng đồng dân cư. Theo ông, cộng đồng dân cư là những người nắm giữ các giá trị văn hóa, truyền thống của địa phương. Cộng đồng cần có ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị này để tạo nên giá trị thương hiệu riêng cho sản phẩm du lịch nông nghiệp.