(KTSG) – Novo Nordisk của Đan Mạch tồn tại cả 100 năm nay chủ yếu như một hãng dược chuyên sản xuất thuốc trị bệnh tiểu đường, ít ai để ý. Bỗng hai loại thuốc của họ, thoạt tiên cũng để trị bệnh tiểu đường là Ozempic và Wegovy được mở rộng công dụng, được phê duyệt cho mục đích trị bệnh béo phì.
Thế là từ đó Novo Nordisk phát triển thần kỳ, doanh thu tăng vọt, lợi nhuận chảy về như nước làm thay đổi cả GDP Đan Mạch, đến nỗi các nhà kinh tế đề xuất nên làm hai bộ dữ liệu thống kê: có tính và không tính Novo Nordisk để có cái nhìn khách quan hơn.
- Châu Âu điều tra rủi ro tự tử liên quan đến thuốc giảm cân thế hệ mới
- Ngành công nghệ sinh học thử nghiệm dược phẩm do AI phát triển
Ozempic và Wegovy đang gây cơn sốt ở khắp thế giới, đặc biệt là ở Mỹ vì chúng có khả năng giúp người sử dụng rũ bỏ hàng chục ki lô gam thể trọng trong thời gian ngắn nhờ giảm cảm giác thèm ăn và từ đó giảm lượng calori đưa vào người. Mặc dù thuốc còn đắt, chích mỗi tháng tốn hơn 1.000 đô la Mỹ và còn nhiều phản ứng phụ, giới béo phì tìm mọi cách mua thuốc để giảm cân. Chỉ tính riêng ở Mỹ đã có 100 triệu người béo phì, hàng năm làm tiêu tốn cho hệ thống y tế ở đây chừng 150 tỉ đô la.
Giá trị thị trường của Novo Nordisk nhờ hai loại thuốc này đã tăng mạnh, từ mức 111 tỉ đô la vào năm 2018 đã lên đến 426 tỉ đô la vào tháng 8-2023, là công ty lớn thứ 18 trên toàn thế giới và lớn thứ hai ở châu Âu tính theo giá trị thị trường.
Để tiện so sánh, giá trị thị trường của một số hãng dược nổi tiếng như Sanofi chỉ là 135 tỉ đô la hay Pfizer cũng chỉ vào khoảng 204 tỉ đô la. GDP của toàn bộ Đan Mạch hiện là 405 tỉ đô la, còn thấp hơn mức 426 tỉ đô la của Novo Nordisk! Đan Mạch với dân số chưa đến 6 triệu người, từng là nơi phát sinh các tập đoàn lớn như Lego hay Maersk, nhưng tác động của Novo Nordisk lên nền kinh tế nước này là chưa từng có.
Theo Jonas Dan Petersen, nhà tư vấn trưởng của cơ quan thống kê Đan Mạch, năm ngoái hai phần ba tăng trưởng GDP của nước này là từ ngành dược. Ba tháng đầu năm nay, tác động còn lớn hơn vì, ông Petersen nói với tờ New York Times, nếu không có ngành dược GDP hầu như không tăng được bao nhiêu.
Trong thời kỳ đó, GDP Đan Mạch tăng 1,9%, trong đó 1,7 điểm phần trăm đến từ các công ty dược và chủ yếu là từ Novo Nordisk. Ở Đan Mạch có nhiều hãng dược nhưng Novo Nordisk là lớn hơn cả; năm ngoái doanh thu của hãng cao gấp 10 lần công ty dược đứng thứ nhì, hãng Lundbeck.
Lợi nhuận của Novo Nordisk tăng 45% lên 39 tỉ kroner, tức chừng 5,7 tỉ đô la trong sáu tháng đầu năm nay, chủ yếu từ hai loại thuốc mới. Nhu cầu mua Ozempic và Wegovy mạnh đến nỗi hàng làm ra không đủ để bán, luôn khan hiếm; Novo Nordisk phải tăng sản lượng và hạn chế nguồn cung ở thị trường Mỹ để có hàng cho các thị trường khác.
Tuy nhiên, với giới nghiên cứu, mức tăng ngành dược đóng góp vào GDP Đan Mạch cũng đặt ra một số vấn đề, chủ yếu là lợi ích nó đem lại có tương ứng với mức tăng này hay không. Chẳng hạn, tác động của ngành dược lên dữ liệu kinh tế là lớn như thế nhưng ngành này không tạo ra nhiều việc làm cho Đan Mạch.
Trong năm năm qua, ngành dược đóng góp 3,4 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP nhưng chỉ giúp tăng thêm 0,1 điểm phần trăm vào tăng trưởng việc làm. Lý do là hầu hết các cơ sở sản xuất của Novo Nordisk nằm ở nước ngoài như Mỹ nên sản lượng tăng giúp tạo việc làm ở nước khác chứ không phải ở Đan Mạch.
Một tác động khác là sức ép lên đồng kroner của Đan Mạch. Các hãng như Novo Nordisk có doanh thu nước ngoài tăng mạnh, kéo theo là nhu cầu đổi từ ngoại tệ sang đồng kroner, tạo sức ép tăng giá đồng nội tệ. Nhưng do Đan Mạch gắn giá trị đồng kroner vào đồng euro nên ngân hàng trung ương nước này phải can thiệp. Một mặt họ phải tung kroner ra để mua ngoại tệ tăng dự trữ; mặt khác, họ phải duy trì mức khác biệt lãi suất euro và kroner sao cho lãi suất kroner thấp hơn để không cho đồng kroner tăng giá.
Cuối cùng, một số nhà kinh tế bày tỏ sự lo lắng Đan Mạch quá phụ thuộc vào sự thăng trầm của một công ty; họ dẫn trường hợp Nokia của Phần Lan để cảnh báo. Khi Nokia đánh mất vị thế trong làng sản xuất điện thoại di động, hàng ngàn công ty Phần Lan làm nhà thầu phụ cung cấp linh kiện cho Nokia bị ảnh hưởng, hàng chục ngàn người mất việc làm, thị trường chứng khoán suy sụp theo. Họ cảnh báo cái gọi là “căn bệnh Hà Lan” có thể xảy ra cho Đan Mạch với Novo Nordisk.
Hà Lan từng phát hiện những mỏ khí lớn, dẫn tới sự tăng vọt kim ngạch xuất khẩu vào những năm 1960 nhưng sau đó giá trị đồng tiền tăng vọt theo làm các mặt hàng xuất khẩu khác đắt lên, không cạnh tranh nổi trên thị trường thế giới.
Nói thế nhưng hiện nay điểm tích cực Novo Nordisk đem về cho Đan Mạch vẫn lớn hơn điểm tiêu cực. Sự thành công của các loại thuốc béo phì tạo ra mối quan tâm đến hệ thống giáo dục, ngành dược và y tế Đan Mạch cũng như buộc các hãng Đan Mạch khác phải cách tân để tìm cơ hội như Novo Nordisk.