Thứ ba, 26 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Một năm nổi sóng của cổ phiếu SJC khi vợ chồng bà Vũ Thị Thúy xuất hiện

Thứ bảy, 09/09/2023 | 06:25
[G-News24/7] -

Bà Vũ Thị Thúy, Tổng giám đốc Công ty bất động sản Nhật Nam, vừa bị tạm giữ hình sự với cáo buộc cung cấp thông tin đầu tư sai sự thật về bất động sản để lừa đảo. Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán, bà Thúy được chú ý hơn với thương vụ đầu tư vào Công ty cổ phần Sông Đà 1.01 (UPCoM: SJC).

Cuối năm ngoái, bà Thúy tham gia Hội đồng quản trị SJC với vai trò cổ đông lớn sở hữu 23,53% vốn. Sau phiên họp bất thường, bà được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện pháp luật. Ba tháng sau đó, bà Thúy giữ tiếp vai trò tổng giám đốc. Cùng thời điểm, Hội đồng quản trị doanh nghiệp này cũng "thay máu" gần như toàn bộ.

Hội đồng quản trị cũ gồm Chủ tịch Sông Đà 1.01 Phạm Thanh Phong, Giám đốc Tạ Văn Trung và Phó giám đốc Nguyễn Bình Đông đều bị miễn nhiệm. Nhiệm kỳ 2022-2027, Hội đồng quản trị được nâng từ ba lên năm thành viên. Ngoài ông Tạ Văn Trung là người cũ và bà Thúy, góp mặt trong danh sách nhân sự mới có ông Phạm Khánh Phương (ca sĩ Khánh Phương), ông Trịnh Văn Tôn và ông Nguyễn Văn Đức.

Trong bản sơ yếu lý lịch, bà Thúy cho biết là người làm "kinh doanh tự do", không nhắc tới vai trò tại Công ty Nhật Nam, tương tự với ông Phạm Khánh Phương. Cả hai nhân sự này khi đó đều là cổ đông lớn sở hữu hơn 20% vốn của Sông Đà 1.01. Đến cuối tháng 6, trong lần công bố thông tin về giao dịch cổ phiếu, ông Phương lần đầu tiết lộ bà Thúy là vợ.

Những cổ đông mới xuất hiện tại SJC cùng thời điểm mã này "nổi sóng" trên thị trường UPCoM.

Từ vùng giá "dưới ly trà đá" khoảng 2.000 đồng hồi tháng 8/2022, cổ phiếu SJC tăng liên tiếp lên 17.900 đồng vào cuối năm, mức tăng gần 10 lần chỉ sau 4 tháng.

Mã này tiếp tục được chú ý trong nửa đầu năm nay với biến động mạnh. SJC giảm về dưới 5.000 đồng chỉ sau ba tháng đầu năm rồi lại vọt lên hơn 14.000 đồng, mức tăng tính bằng lần.

A-nh-ma-n-hi-nh-2023-09-08-lu-7602-3409-1694139389.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=SEe6jR3dDVJAjiLTVdR4Sw

Diễn biến cổ phiếu SJC của Sông Đà 1.01 từ tháng 7/2022 đến nay. Ảnh: Trading View

Cuối tháng 3, bà Thúy thoái toàn bộ hơn 23% vốn của SJC, chỉ giữ lại 22 cổ phiếu. Tuy nhiên, bên nhận chuyển nhượng lại là hai công ty có liên quan, gồm Công ty Đầu tư Nam Nhật Khang và Công ty cổ phần Tập đoàn Sông Đà Nhật Nam.

Từng khẳng định đầu tư vào Sông Đà 1.01 để nắm quyền quản trị, không lướt sóng, nhưng từ cuối tháng 6, nhóm cổ đông mới liên quan đến bà Vũ Thị Thúy bắt đầu rục rịch bán ra.

Đầu tháng 8, đồng loạt các cổ đông khác trong nhóm này, gồm cả hai công ty mua lại số cổ phần của bà Thúy trước đó, đăng ký bán toàn bộ sở hữu tại SJC.

Đến tháng 9, ông Phương thông báo đã bán xong hơn 13% vốn của Sông Đà 1.01 và không còn là cổ đông của công ty này. Trước đó, cuối tháng 6, ông này bị Ủy ban chứng khoán phạt 245 triệu đồng do mua lượng lớn cổ phiếu SJC từ 23/6 đến 28/10/2022 nhưng không chào mua công khai.

Sông Đà 1.01 hoạt động hơn hai thập kỷ trong lĩnh vực xây lắp, kinh doanh bất động sản. Công ty này được biết đến với các dự án như chung cư Vinafor, Eco Green Tower, Hemisco Xala, tòa nhà CT1 Văn Khê... SJC niêm yết trên HNX từ năm 2007. Đến giữa năm 2021, SJC bị hủy niêm yết do vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính và chuyển sang thị trường UPCoM.

Dù cổ phiếu doanh nghiệp này bất ngờ nổi sóng, nhưng cũng tương tự nhiều mã penny khác, kết quả kinh doanh của Sông Đà 1.01 biến động thất thường.

Trong 10 năm qua, doanh nghiệp này lãi 6 năm nhưng chỉ quanh vài tỷ đồng, có năm chỉ lãi vài chục triệu đồng. Lần gần nhất, Sông Đà 1.01 công bố báo cáo tài chính là năm 2022, với khoản lỗ hơn 5 tỷ đồng, cao nhất từ khi lên sàn chứng khoán.

Minh Sơn

g-news247