Thứ bảy, 23 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Một số giáo viên chưa thật sự quan tâm giáo dục phát triển tình cảm cho trẻ

Thứ hai, 25/09/2023 | 17:42
[G-News24/7] -

Khắc phục nguy cơ thiếu an toàn

Tại hội thảo, cô Nguyễn Thị Đoan Trang, chuyên viên Phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT TPHCM) cho biết, TPHCM hiện có 16 khu chế xuất, khu công nghiệp đang hoạt động tại TP Thủ Đức và 8 quận, huyện gồm: quận 7, 12, Tân Phú, Tân Bình, Bình Tân, Củ Chi, Bình Chánh và Nhà Bè. Trong đó, tổng số nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, mầm non độc lập là 1.286 nhóm.

z4715883601472-9b497d86614de11ac82e55c4ef69177d-7092.jpg

Trẻ tham gia hoạt động tại một nhóm lớp mầm non ở quận 12

Để tăng cường công tác quản lý, các trường mầm non công lập được phân công thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động của các nhóm lớp độc lập trên địa bàn, tạo điều kiện cho chủ nhóm lớp, giáo viên nhóm trẻ, lớp mẫu giáo và mầm non độc lập tham quan môi trường học tập, dự các hoạt động hội giảng, sinh hoạt chuyên môn để học tập kinh nghiệm.

Song song đó, ngành giáo dục phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra giám sát, tư vấn nghiệp vụ quản lý và chuyên môn cho các chủ nhóm lớp và đội ngũ giáo viên, bảo mẫu; tuyên truyền các văn bản pháp luật và quy định về chăm sóc giáo dục trẻ cho các cơ sở.

z4715910079912-fed41b94fb18b9f9027cfafa9d7f3fcc-9243.jpg

Toàn cảnh hội thảo

Trong quý 2 và 3 năm 2023, Sở GD-ĐT TPHCM đã tổ chức các lớp bồi dưỡng cho 270 lãnh đạo, chuyên viên phòng GD-ĐT, giáo viên các cơ sở mầm non độc lập nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số nhóm lớp có diện tích nhỏ hẹp, chưa đảm bảo việc tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ; chưa thực hiện đúng quy định bảng tên bằng tiếng nước ngoài; đồ dùng đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu chưa đáp ứng theo yêu cầu.

“Qua quá trình kiểm tra vẫn còn cơ sở chưa chú ý công tác đảm bảo an toàn cho trẻ như sử dụng thiết bị điện tử treo tường cồng kềnh, bố trí máy tính chưa đảm bảo an toàn về điện, sân chơi vận động không có thảm lót, treo vật dụng nặng ở vị trí cao, cất giữ hóa chất trong khu vực sinh hoạt của trẻ... Nhiều đơn vị còn thiếu giáo viên, giáo viên chưa đảm bảo đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019”, bà Nguyễn Thị Đoan Trang thông tin.

Tới đây, trong năm học 2023-2024, các phòng GD-ĐT sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc thẩm định điều kiện cấp phép thành lập các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, mầm non độc lập.

Cùng với đó, cơ quan quản lý triển khai kế hoạch rà soát, kiểm tra hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời các nhóm lớp; tăng cường bồi dưỡng lý thuyết và thực hành các nội dung nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ cho đội ngũ giáo viên, nâng cao nhận thức cho đội ngũ.

Lồng ghép giáo dục tình cảm, kỹ năng xã hội cho trẻ

Bà Triệu Tuyết Mai, Phó trưởng Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức bày tỏ, hiện nay đa số cha mẹ, người chăm sóc trẻ làm việc tại khu công nghiệp, khu chế xuất nên chưa có thời gian quan tâm đến sự phối hợp với nhà trường và giáo viên trong việc giáo dục phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội cho trẻ.

Bên cạnh đó, một số giáo viên ngoài công lập chưa thật sự quan tâm đến việc giáo dục phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội cho trẻ, chưa có tinh thần tự học và nghiên cứu để lồng ghép nội dung giáo dục tình cảm, kỹ năng xã hội cho trẻ vào các hoạt động phù hợp.

“Phòng GD-ĐT đã chỉ đạo các cụm trưởng cụm chuyên môn thường xuyên nắm tình hình, hướng dẫn các cơ sở mầm non ngoài công lập xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp thông qua các hoạt động hàng ngày như dạy trẻ cách chào hỏi, thể hiện cảm xúc khi gặp người quen, biết lắng nghe người khác nói, biết chờ đến lượt, quan tâm giúp đỡ người khác”, đại diện Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức chia sẻ.

z4715894948951-d10a52cbc09a5f340ab0d0f1abda2ae8-2970.jpg

Trẻ tham gia hoạt động phát triển kỹ năng xã hội tại nhóm lớp Ngọc Mi, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi

Ở góc độ khác, bà Nguyễn Thị Đúng, chuyên viên Phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh nhận định, hiện nay đội ngũ giáo viên ngoài công lập tay nghề không đồng đều nên việc đầu tư bồi dưỡng chuyên môn còn khó khăn.

Để khắc phục tình trạng đó, Phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh đã phân công hiệu trưởng các trường mầm non công lập hỗ trợ nhóm lớp trên địa bàn theo từng xã, thị trấn.

Trong đó, việc hỗ trợ các nhóm lớp gồm sắp xếp bố trí môi trường, bồi dưỡng chuyên môn về lý thuyết, tổ chức thao giảng, chuyên đề cho các đơn vị học tập.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Thụy Mỵ Châu mong muốn các địa phương nói chung và cơ sở giáo dục mầm non nói riêng đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ. Trong đó, công tác chỉ đạo phải chặt chẽ, tập huấn đầy đủ và triển khai đồng bộ.

Để đạt được các mục tiêu đó, Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức và quận, huyện cần phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo yêu cầu an toàn cho trẻ, thực hiện có hiệu quả môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, tiến đến xây dựng trường học hạnh phúc.

g-news247