Tại hàng ốc, người phụ nữ 63 tuổi liên tục được mời "mua cả rổ". Bà xua tay từ chối, lấy lý do nặng quá không chở được nhưng người bán đã nhanh tay đổ hết lên cân, vừa tròn 5 kg. Số ốc gần gấp đôi dự định ban đầu nhưng nghĩ "bỏ ra thì phải tội" nên bà lấy hết, buộc vào sau xe.
Chiếc xe đạp của bà Thu lắc lư, chao đảo vì túi chạch treo lủng lẳng ghi đông; giỏ xe đầy hai túi cá và lươn, giờ thêm túi ốc 5 kg. Tất cả tốn hơn 600.000 đồng. Từ chợ, bà đạp hơn một km ra hồ Mai Dịch, thả tất cả xuống hồ để phóng sinh giống như một số gia đình khác, sáng 29/8.
"Mình làm tùy tâm. Năm có tiền thì thả nhiều, ít tiền thả ít, nhưng không thể không thả", bà nói.
Cũng sáng đó, tại chợ Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm), bà Xuân, 73 tuổi mua 2 kg chạch, mang thả ở hồ điều hòa cạnh nhà. Từ nhiều năm nay bà đều thả chạch vì quan niệm "phóng sinh loại nào không ăn loại đó".
"Tôi muốn phóng sinh nhiều loại, nhưng sợ con cháu đi ăn hàng ăn phải nên chỉ phóng sinh chạch", bà cho hay.
Trước đó vài ngày, bà Xuân đã góp tiền với một nhóm bạn hay đi chùa cùng nhau mua cua cá phóng sinh. Năm nay nhóm của bà góp được 1,5 triệu đồng, mua 1,2 tạ ốc thả.
Chị Thanh, 40 tuổi, chủ một đại lý bán ốc ở chợ Đồng Xa cho biết, vào dịp này chị phải huy động các mối hàng từ khắp Mê Linh (ngoại thành Hà Nội), Hà Nam, Thái Bình mới đáp ứng được nhu cầu mua để phóng sinh. Đây là các loại ốc nhỏ, giá từ 13.000 đến 15.000 đồng mỗi kg. Các hộ bán xung quanh nếu không gom được ở quê nên ra chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) - nơi cung cấp mặt hàng phóng sinh đi khắp các chợ Hà Nội.
"Mặt hàng này này tôi bán quanh năm. Đặc biệt hai dịp Rằm tháng Giêng và Rằm tháng Bảy hàng năm bán không kịp trở tay", chị nói.
Từ đầu tháng 7 âm lịch tới nay, trung bình mỗi ngày chị bán được từ 1,5 đến 2 tạ ốc phóng sinh. Như hôm Chủ nhật 27/8, chị bán được 1,7 tạ ốc cho khách vãng lai. Bên cạnh đó chị có một danh sách khách quen lưu sẵn trong điện thoại. Họ thường gọi đặt trước, mỗi lần lấy vài chục kg trở lên, giao tận nhà. Chị cũng phân phối cho các nhà chùa, mỗi lần họ đặt vài tạ.
"Có một gia đình ngay trong khu này thường lấy cả tạ ốc đi phóng sinh, tôi mới giao mấy hôm trước", chị nói.
Cạnh đó, quầy hàng của chị Bình, 30 tuổi, trung bình mỗi ngày bán 30 kg lươn, chạch, cá cho mục đích phóng sinh.
Theo chị, khách mua phóng sinh tùy vào điều kiện, có người mua vài chục, vài trăm nghìn, có người mua vài triệu đồng. "Năm ngoái tôi tưởng ế, gần trưa có một khách đến mua toàn bộ, tổng cộng hết 9,4 triệu đồng để đi phóng sinh", Bình kể. Chuyện này trở thành giai thoại trong khu thủy hải sản, gần như ai cũng biết.
Tại một số cửa hàng bán chim trên đường Hoàng Hoa Thám những ngày này cũng ghi nhận nhiều khách đến mua chim phóng sinh. Chủ một cửa hàng lớn cho biết loại phóng sinh thường là chim ri, giá 15.000 đồng và vành khuyên giá 20.000 đồng một con.
"Những loại này làm sao nuôi được. Tất cả phải bẫy trên rừng, từ khắp các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hòa Bình về", người này nói.
Đây là tháng Vu Lan nên lượng khách những ngày qua cũng đông hơn. Khách thường mua vài con đến vài chục con, song vẫn chưa có ai mua vài trăm con như các năm trước. "Có lẽ do kinh tế năm nay khó khăn", ông nói thêm.
Theo thầy Thích Khánh Hưng, trụ trì am Thủy Ưng, Hải Lăng (Quảng Trị), "phóng sinh" tức là thả ra sự sống. Đó là một quan niệm cực kỳ đáng trân trọng, biểu hiện cho một nếp sống hiếu sinh của đạo Phật. Đó là thấy một con chim đi lạc vào nhà, ta không bắt chơi mà hướng dẫn nó bay ra ngoài; là thấy một con cá mắc cạn, ta không bắt ăn mà đưa nó trở lại mặt nước tức chúng ta tạo ra mầm sống cho các giống loài đang rơi vào hoàn cảnh tai ương.
Phó giáo sư Bùi Hoài Sơn (Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) cho biết trong Ngũ giới của Đạo Phật, cấm sát sinh là giới đầu tiên, chính vì thế tục phóng sinh thường được coi là biểu tượng cho lòng tha thứ và nhân từ; là hành động giảm khổ đau đối với muôn vật và giúp tích lũy công đức tốt đẹp.
Vốn là một thực hành tốt đẹp của giáo lý nhà Phật, nhưng ngày nay hoạt động này đã bị biến tướng. Có những người dân đang nghĩ phóng sinh càng nhiều càng may, nên thả hàng tạ ốc, lươn, chạch ra ao hồ. Việc này có thể gây ô nhiễm môi trường nước và ảnh hưởng đến hệ sinh thái, làm sự tăng lượng chất thải hữu cơ và khả năng cạnh tranh với các loài động vật khác trong hệ thống thủy sinh. Đặc biệt, vì để phục vụ mục đích phóng sinh mà ở nhiều nơi tận diệt chim trời hoặc các loài khác.
"Khi trở thành một thị trường mua bán, mang mục đích kinh doanh và lợi nhuận thì ý nghĩa thực sự của việc phóng sinh không những bị mất đi mà còn thúc đẩy sát sinh", phó giáo sư Bùi Hoài Sơn nói.
Vị này khuyên chúng ta cần nắm rõ ý nghĩa và đạo lý của tục phóng sinh trong đạo Phật và trong văn hóa dân gian để hiểu rằng mục đích của hoạt động này là để thể hiện lòng từ bi và tôn trọng mọi hình thức sống.
"Thay vì thả hàng tạ ốc, lươn, chạch vào môi trường tự nhiên, mọi người có thể tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, ủng hộ các tổ chức bảo vệ động vật hay giúp đỡ các vườn thú. Đó mới là phóng sinh thực sự", ông nói.
Thay vì tập trung vào hình thức bề ngoài, hãy tập trung vào ý nghĩa tâm linh của việc phóng sinh. Tâm hồn từ bi và lòng thành kính cần được thể hiện thông qua tình cảm và sự quan tâm thực sự đến cuộc sống và khó khăn của những loài vật sống khác. Chúng ta nên sử dụng các dịp phóng sinh như cơ hội để học tập và nâng cao nhận thức về nguyên tắc cấm sát sinh, cân bằng hệ sinh thái, và ảnh hưởng của các hoạt động của chúng ta đến môi trường.
Thầy Thích Khánh Hưng cho biết có nhiều Phật tử đã hỏi thầy cách phóng sinh như thế nào cho đúng. Thầy chia sẻ thực hành thông qua việc hàng ngày như ăn chay, một khi ăn chay là góp phần không sát sinh là đã phóng sinh.
"Phóng sinh là tinh thần cao nhất của chủ nghĩa Hiếu sinh trong đạo Phật. Hãy thực hành nó một cách tự nhiên, như hơi thở trong cuộc sống hành ngày", vị trụ trì nói.
Phan Dương