Mẹ tôi muốn bán nhà và dùng 50% vào việc dưỡng già, còn lại sẽ chia làm 4 phần (mẹ và 3 con) như quy định của pháp luật. Tôi và người em muốn nhường phần thừa kế của mình cho chị cả, vì hai anh em tôi sắp đi định cư ở nước ngoài.
Tôi hỏi thủ tục ở văn phòng luật sư thì mỗi nơi trả lời mỗi kiểu. Nơi nói do cha tôi chưa lập di chúc nên để khỏi về Việt Nam ký giấy bán nhà thì tôi và người em có thể làm Giấy ủy quyền bán nhà cho chị tôi; sau khi bán được nhà, chị sẽ toàn quyền sử dụng số tiền thuộc phần thừa kế của tôi và em. Nơi khác thì bảo tôi và người em có thể ra công chứng làm Giấy từ chối nhận thừa kế.
Xin hỏi tôi phải làm như thế nào cho đúng vì thời gian chúng tôi ở Việt Nam không còn nhiều.
Luật sư tư vấn
Theo thông tin bạn cung cấp, cha bạn khi mất không lập di chúc nên phần tài sản của cha bạn trong căn nhà sẽ được xem là di sản để chia thừa kế theo pháp luật - tức là đã phát sinh quyền thừa kế của bạn và em bạn kể từ thời điểm cha bạn mất.
Trường hợp bạn ủy quyền cho chị cả, thì chị của bạn chỉ có quyền thay mặt, đại diện bạn bán phần tài sản và quản lý số tiền có được sau khi bán. Nghĩa là số tiền này vẫn được xem là kỷ phần thừa kế, bạn vẫn có quyền được hưởng và yêu cầu chị trả lại cho mình. Việc ủy quyền chỉ có phạm vi là thay mặt những người thừa kế quản lý di sản, không làm mất đi quyền thừa kế của bạn.
Nếu bạn và người em muốn nhường phần thừa kế cho chị cả, thì phải làm thủ tục từ chối nhận di sản theo quy định của pháp luật.
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ từ chối nhận di sản thừa kế:
- Văn bản từ chối nhận di sản thừa kế có cam kết việc từ chối nhận di sản thừa kế không nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản (dự thảo).
- Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân (bản sao có chứng thực).
- Giấy chứng tử của người để lại di sản (bản sao chứng thực).
- Giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng (bản sao có chứng thực) hoặc giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản (bản sao có chứng thực).
Bước 2: Người từ chối nhận di sản tiến hành chứng thực văn bản ở UBND cấp xã.
- Công chứng viên kiểm tra hồ sơ từ chối nhận di sản thừa kế.
- Người từ chối nhận di sản sẽ ký lên văn bản từ chối di sản thừa kế trước mặt công chứng viên, trường hợp văn bản có 2 trang thì phải ký đầy đủ cả 2 trang.
- Trường hợp người từ chối nhận di sản không ký được thì phải điểm chỉ; nếu người đó không đọc được, không nghe được, không ký, không điểm chỉ được thì phải có 2 người làm chứng.
- Cán bộ chứng thực thực hiện chứng thực cho văn bản từ chối nhận di sản.
(Nếu công chứng viên kiểm tra và nhận thấy hồ sơ bị thiếu thì yêu cầu người từ chối nhận di sản bổ sung hoặc hồ sơ không hợp lệ thì giải thích cho người từ chối nhận di sản về việc không thể chứng thực văn bản từ chối nhận di sản).
Bước 3: Nhận văn bản công nhận từ chối nhận di sản thừa kế.
Luật sư Võ Đan Mạch
Công ty Luật TNHH MTV TA PHA