"Theo yêu cầu của Ukraine, quân đội Mỹ sẽ tiếp tục đào tạo kỹ năng vận hành và bảo dưỡng xe tăng cho binh sĩ nước này cho đến khi toàn bộ 31 xe tăng Abrams viện trợ đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu. Quá trình huấn luyện dự kiến kéo dài nhiều tuần", phát ngôn viên Bộ chỉ huy lục quân Mỹ tại châu Âu và châu Phi (USAREUR-AF) Martin O'Donnell cho biết hôm 8/9.
Động thái này khiến xe tăng M1A1 Abrams không thể tham chiến tại Ukraine trong ít nhất vài tuần nữa. Thông tin được đưa ra vài ngày sau khi quan chức quốc phòng Mỹ cho biết 10 chiếc M1A1 Abrams đang trải qua giai đoạn tân trang cuối cùng tại Đức và có thể chuyển đến Ukraine ngay trong tháng 9.
Khoảng 200 binh sĩ Ukraine đã huấn luyện trên xe tăng M1 Abrams tại các thao trường của lục quân Mỹ tại Đức. Quá trình đào tạo cơ bản kết thúc hồi cuối tháng 8, sau cuộc diễn tập hiệp đồng cấp tiểu đoàn ở thao trường Hohenfels, miền đông nước Đức.
Mỹ hồi tháng 2 thông báo chuyển xe tăng M1 Abrams cho Ukraine sau nhiều tháng nước này đề nghị. Lầu Năm Góc sau đó cho biết sẽ viện trợ biến thể M1A1 ít phức tạp hơn để đẩy nhanh tiến độ bàn giao, do có thể rút số xe tăng này từ kho niêm cất và tân trang nhanh hơn những mẫu hiện đại.
Nhiều quan chức phương Tây hy vọng xe tăng M1A1 Abrams sẽ giúp Ukraine vượt qua phòng tuyến kiên cố của Nga trong đợt phản công.
M1 Abrams được Mỹ phát triển năm 1972-1975. Mỹ vận hành mẫu xe tăng này từ năm 1980 tới nay. Xe tăng M1 được trang bị pháo 120 mm, súng đồng trục 7,62 mm và súng 12,7 mm, có thể đạt vận tốc tối đa 67 km/h. Kíp lái của M1 Abrams có 4 người, gồm trưởng xe, pháo thủ, nạp đạn và lái xe.
Xe tăng M1 Abrams được đánh giá là một trong những chiếc xe tăng tốt nhất thế giới hiện nay. Tuy nhiên, phiên bản xuất khẩu cho một số nước không được trang bị những loại giáp như bản của quân đội Mỹ, khiến chúng có nguy cơ tổn thương cao hơn trước nhiều loại tên lửa chống tăng phổ thông.
Vũ Anh (Theo Drive)