Năm 2023 đánh dấu 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ. Nếu nhìn lại chặng đường 28 năm từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1995, có thể khẳng định 10 năm qua là giai đoạn phát triển nhanh nhất, toàn diện nhất và hiệu quả nhất trong quan hệ hai nước.
Nếu như năm 1995, kim ngạch thương mại của hai nước mới chỉ có 450 triệu USD, năm 2005, kim ngạch thương mại song phương là 6,78 tỷ USD, thì khi bắt đầu thiết lập quan hệ đối tác toàn diện vào 10 năm trước, con số này là 35-36 tỷ USD và đến cuối năm 2022 là 123,86 tỷ USD. Năm 2022, Mỹ trở thành thị trường đầu tiên vượt ngưỡng 100 tỷ USD trong xuất khẩu của Việt Nam và cũng là duy nhất đến nay.
Thương vụ Việt Nam tại Mỹ dự báo, năm 2023, hoàn toàn có thể kỳ vọng kim ngạch thương mại giữa hai nước tiếp tục vượt mốc 100 tỷ USD. Thực tế, với hơn 300 triệu người tiêu dùng, Mỹ là thị trường giàu tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi, tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam mới chiếm khoảng 4% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ trong năm 2022.
Việt Nam đang có lợi thế và đứng đầu thế giới về xuất khẩu các sản phẩm như nông sản, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử… sang Mỹ và nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Chia sẻ tại hội nghị xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm cơ khí do Bộ Công thương tổ chức ngày 31-8, đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại New York còn cho biết, lĩnh vực cơ khí đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Mỹ, nhất là sản xuất ô tô.
Mỹ cũng là nước có nhu cầu nhập khẩu đa dạng sản phẩm, nhất là máy công nghiệp, máy bay dân dụng, máy tính, phụ kiện bán dẫn, máy móc nông nghiệp, nguyên liệu giấy, ô tô, phụ tùng ô tô… Đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam chủ động nguồn hàng, tích cực tìm kiếm bạn hàng, duy trì các đối tác cũ, tận dụng mọi cơ hội xuất khẩu sang thị trường quan trọng bậc nhất này.
VĂN PHÚC