Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên cho biết hải quân nước này đã tổ chức lễ hạ thủy tàu ngầm "Anh hùng Kim Kun-ok" số hiệu 841 với sự tham dự của lãnh đạo Kim Jong-un hôm 6/9.
Giới chuyên gia phương Tây nhận định tàu ngầm 841 là phiên bản cải tiến sâu của tàu ngầm diesel - điện Đề án 633, được NATO gọi là lớp Romeo, do Liên Xô chế tạo từ cuối thập niên 1950, thay vì là phiên bản kế tiếp của tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Gorae do Bình Nhưỡng tự phát triển.
"Cấu trúc tàu ngầm Romeo trên chiếc 841 được thay đổi toàn diện đến mức nó gần như là tàu ngầm mới hoàn toàn. 10 bệ phóng thẳng đứng dành cho tên lửa được đặt trong khoang tích hợp vào tháp chỉ huy. Mũi tàu được thu ngắn và thay đổi hình dáng, trong khi cánh lái được chuyển từ mũi lên tháp chỉ huy", H.I. Sutton, chuyên gia quân sự và tác chiến tàu ngầm Mỹ, nhận xét.
Hình ảnh do KCNA công bố cho thấy tàu ngầm với phần mũi được bọc kín, cánh lái đuôi và chân vịt bị xóa bằng phần mềm máy tính. Khoang chứa tên lửa nằm ngay sau tháp chỉ huy và nổi lên so với phần thân, tương tự thiết kế tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo Đề án 667 của Nga và Type-094 Trung Quốc.
Phương án này cho phép tàu ngầm mang được những loại tên lửa đạn đạo và hành trình có chiều dài lớn hơn đường kính khung thân. Tuy nhiên, khoang chứa sẽ có sức cản lớn, hạn chế khả năng cơ động và tăng độ ồn của tàu ngầm, khiến nó dễ bị đối phương phát hiện hơn.
Cụm ống phóng thẳng đứng gồm 4 ống lớn phía trước và 6 ống nhỏ hơn phía sau, cho thấy chúng sẽ mang những loại tên lửa khác nhau.
"Triều Tiên nhiều khả năng sẽ trang bị cho nó cơ số chiến đấu gồm tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) tầm ngắn và tầm trung, hoặc SLBM và tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm (SLCM). Nước này đã phát triển mẫu SLCM mang đầu đạn hạt nhân Hwasal-2, với đặc điểm tương tự dòng Tomahawk của Mỹ, đây sẽ là một trong những vũ khí quan trọng nhất cho tàu ngầm 841", chuyên gia quân sự Mỹ Tyler Rogoway nhận xét.
Việc điều chỉnh phần mũi có thể buộc Triều Tiên loại bỏ khả năng tấn công bằng ngư lôi, hoặc thu nhỏ khu vực sinh hoạt của thủy thủ đoàn để duy trì cụm ống phóng ngư lôi.
"Tàu ngầm 841 có nhiều nét khác biệt so với chiếc Sinpo-C được Triều Tiên công bố năm 2019. Có thể nó đã được thiết kế lại đáng kể, hoặc là dự án hoán cải hoàn toàn mới. Dự án hoán cải chiếc Romeo đầu tiên, vốn chỉ mang được 3 tên lửa đạn đạo Pukguksong, có thể đã thất bại. Tàu ngầm 841 thể hiện tư duy mới của Triều Tiên, trong đó nhấn mạnh vào khả năng mang nhiều tên lửa cỡ nhỏ thay vì số lượng ít tên lửa hạng nặng", chuyên gia Sutton nói.
SLBM có độ chính xác và uy lực thua kém tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), nhưng tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo có thể ẩn mình dưới lòng biển trong thời gian dài để tung đòn đáp trả trong trường hợp Triều Tiên bị tấn công phủ đầu. Các dòng SLBM dùng đầu đạn thông thường cũng có thể được triển khai để diệt mục tiêu chiến thuật có giá trị cao và trong hầm ngầm kiên cố.
Trong khi đó, tên lửa hành trình bay chậm và có uy lực kém hơn tên lửa đạn đạo, khiến chúng dễ bị đánh chặn hơn, nhưng khả năng bay thấp khiến loại vũ khí này dễ ẩn mình trước radar phòng không và có độ chính xác cao hơn.
Triều Tiên đã công khai theo đuổi năng lực đáp trả hạt nhân bằng tên lửa phóng từ tàu ngầm suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, các chuyên gia phương Tây cho rằng lực lượng gồm một hoặc hai tàu ngầm như chiếc 841 là chưa đủ để bảo đảm năng lực răn đe đáng tin cậy, do chúng dễ bị phát hiện và theo dõi ngay khi ra biển.
"Dù vậy, sự tồn tại của loại tàu ngầm này vẫn được coi là bước đi quan trọng với chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Ngay cả một tàu ngầm diesel - điện kiểu cũ, có độ ồn tương đối cao cũng sẽ đòi hỏi các cường quốc như Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản phải triển khai nhiều nguồn lực quý giá để liên tục theo dõi vị trí của nó", Rogoway thừa nhận.
Vũ Anh (Theo Naval News, Drive)