Chúng tôi có con sáu tuổi và sắp chào đón bé thứ hai. Tôi nhận thấy cả hai đều là những người tự lập và có ý chí. Bố mẹ đẻ rất yên tâm về chúng tôi, luôn tôn trọng và ủng hộ quyết định của hai đứa. Phía bố mẹ chồng với bản tính lo lắng thái quá nên rất thích kiểm soát mọi thứ dù chúng tôi ở xa. Hồi tôi còn là dâu mới, bố mẹ chồng căn dặn đủ điều qua điện thoại hay mỗi lần chúng tôi về quê. Mẹ chồng hay kể đi kể lại những câu chuyện và lời khuyên cũng giống nhau. Ban đầu tôi tiếp chuyện, mẹ chồng thích thú nên nói nhiều hơn. Sau đó, tôi không muốn nói chuyện dông dài nên chỉ vâng dạ để nhanh kết thúc câu chuyện.
Tôi về nhà nội trước gần hai tháng để chuẩn bị sinh bé đầu, thời điểm đấy tôi làm online, lương chỉ đủ tiêu, đẻ con so nên nghĩ ở gần bố mẹ chồng sẽ tốt hơn, chồng tôi làm trên thành phố. Xa chồng nên tôi rất buồn, ngày ngày nghe ông bà căn dặn đủ thứ và bắt ăn uống tẩm bổ để tốt cho cháu. Bà hay đòi ngủ cùng đề phòng tôi trở dạ, đêm hôm tôi trằn trọc khó ngủ hay mỗi lần dậy đi vệ sinh là bà lại hỏi, tôi cảm thấy hơi khó chịu. Đến lúc sinh con, cơn ác mộng mới thật sự bắt đầu, bố mẹ chồng can thiệp cả chuyện sinh mổ hay sinh thường của tôi.
Lúc xuất viện về nhà, nhất cử nhất động của tôi bà đều muốn nắm rõ. Cứ hai tiếng con ọ ẹ là bà bắt tôi dậy cho ti, nhìn cháu ti từ đầu đến cuối cữ bà mới yên tâm. Sau khoảng hai tuần khỏe lại, tôi muốn tự tắm cho con, bà nghe tin từ ông liền tức tốc phi về nhà, giật con trên tay tôi và muốn tắm cho cháu. Tôi khá sốc nhưng không biết làm gì. Thời gian ở cữ, ngày nào tôi cũng khóc vì nhớ chồng, không quen được nếp sống ở đây, phần vì thiếu ngủ nên tôi cứ lờ đờ cả ngày và nghĩ đến những điều tồi tệ.
Tôi nghĩ lúc đấy mình đã bị trầm cảm sau sinh. Tôi tâm sự với chồng, ngỏ ý bảo anh về đón mình lên, chồng không hiểu tình trạng của tôi, nghĩ ở gần bố mẹ sẽ tốt hơn nên khuyên tôi cố ở thêm cho đến khi con đủ tháng. Tôi nghe lời chồng và tìm đến những thú vui khác như xem phim hoặc dùng điện thoại, ngoài ra kinh tế chưa dư dả nên tôi vẫn nhận thêm công việc online để làm. Ông bà thấy tôi đang ở cữ mà không chịu kiêng khem nhưng không nhắc trực tiếp mà lại gọi về mách ông bà ngoại. Bố đẻ gọi cho tôi mắng mỏ vì không nghe lời bố mẹ chồng. Tôi khóc và giải thích vì chán quá nên mới làm vậy, bố thương tôi nên cũng động viên an ủi.
Khi cháu ăn dặm, ông bà cũng can dự vào việc cho ăn sớm từ năm tháng và dặm thêm thịt. Tôi vẫn muốn chăm con theo ý mình nên kệ. Đôi lần giải thích với bà theo cách tôi chăm và theo khoa học, bà bỏ ngoài tai, nói còn nuôi được hai thằng con nên người, ý bảo tôi không phải dạy khôn nên tôi cũng không muốn giải thích nữa. Lúc cháu lớn chuẩn bị đến tuổi đi học mẫu giáo, ông bà nội đã rào trước nhiều lần là sẽ lên đón cháu về quê học, để vợ chồng tôi lo làm kinh tế và sinh bé thứ hai. Lúc đầu tôi cười trừ cho qua, khi nói nhiều như vậy khiến tôi khó chịu và bảo bố mẹ ở đâu thì con cái ở đó, sau này có đẻ đứa thứ hai vợ chồng con cũng ở trên này, không về quê sinh nữa để tiện chăm sóc bé đầu. Ông bà phật lòng nhưng sau đó cũng ít nhắc lại vấn đề này.
Mặc dù ở xa nhưng hầu như ngày nào bố mẹ chồng cũng gọi video gặp cháu, hỏi nay cháu được mẹ cho ăn gì, đi lớp ăn gì, có bị bạn bè bắt nạt không. Có thời điểm ông bà hay gọi lúc nhà tôi ăn tối, xem từ đầu đến cuối bữa cháu ăn có hết không mới yên tâm. Tôi trao đổi với chồng để ông bà chỉ gọi trước hoặc sau bữa ăn, gia đình còn tập trung ăn cơm. Nhiều khi chúng tôi đi chơi đâu sẽ chụp ảnh gửi vào nhóm gia đình để ông bà đỡ nhớ cháu, nhưng ông bà mà để ý có bất cứ mối nguy hại nào là lại gọi điện hoặc nhắn tin nhắc nhở, tỏ vẻ rất lo lắng.
Nhà tôi muốn nuôi con vật gì, ông bà cản không được cũng tác động hết thông gia đến người thân để ngăn chúng tôi. Thấy cháu hơi gầy, ông bà lo lắng muốn đón cháu về vỗ béo rồi mới đưa lên, nói ở với ông bà mới béo được, ở với bố mẹ gầy. Tôi nuôi con theo hướng tự lập, con được ăn theo nhu cầu và tôi biết mỗi lần cháu về là ông bà nhồi nhét ăn, cho xem hoạt hình, dọa nạt khiến cháu cũng bị ám ảnh. Tôi góp ý với chồng về vấn đề này khá nhiều lần, vợ chồng tôi cũng ngoài 30 tuổi rồi, không muốn bị quan tâm thái quá như trẻ con. Chồng tôi đã quen với việc ấy nên không cảm thấy khó chịu, nghĩ rằng ông bà quan tâm và lấy con cái làm niềm vui nên bảo tôi nghĩ tích cực hơn cho nhẹ đầu.
Sau những lần như vậy tôi cũng hạn chế gửi ảnh vào nhóm chung và ít nói chuyện với bố mẹ chồng hơn. Nếu ông bà gọi lên, tôi sẽ nói qua loa vài câu rồi đẩy cho con hoặc chồng nói tiếp. Tôi chọn giải pháp im lặng hoặc ít nói vì không có cách nào tốt hơn. Đôi khi tôi thấy việc gì không hợp lý là góp ý thẳng thắn và khiến ông bà phật ý, chồng tôi cũng buồn. Tôi nhận thấy mình là người không quá khéo léo trong cách ứng xử, tính khá nóng nảy nhưng cũng chu toàn, chăm sóc gia đình và tin vào thiên chức làm mẹ.
Ông bà nội rất thương con thương cháu nhưng sự quan tâm thái quá vô tình đẩy tình cảm gia đình ra xa hơn. Sự khác biệt văn hóa và sự kìm nén nhiều năm nay, phần cũng bắt nguồn từ đợt trầm cảm sau sinh bé đầu tiên, khiến tôi không muốn mở lòng. Sắp tới sinh bé thứ hai, bà nội sẽ lên ở cùng nhà tôi một thời gian, nghĩ đến thôi tôi đã thấy sợ và ám ảnh. Mong được các bạn chia sẻ, chân thành cảm ơn.
Lê Hà
Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc