Adrian, 54 tuổi, là nhà tư vấn chuỗi cung ứng, được chẩn đoán mắc bệnh ung thư đầu cổ vào tháng 12/2021. Ông điều trị bằng phương pháp hóa, xạ trị, kết quả chụp CT vào tháng 6/2022 cho thấy khối u đầu cổ đã biến mất. Đến tháng 9/2022, bác sĩ tiếp tục phát hiện khối u 9 mm ở phổi phải của Adrian, đã lan rộng, đến giai đoạn di căn. Bác sĩ chẩn đoán phổi của ông không thể hồi phục, 100% khả năng bệnh nhân sẽ qua đời trong vài tháng nếu không được điều trị.
Lần này, hóa, xạ trị không giúp ích được gì vì ung thư đã quá nặng. Kết quả chiếu chụp sâu hơn cho thấy khối u rải rác khắp phổi, quá rủi ro để phẫu thuật. Một trong những khối u đã phát triển từ 9 mm lên 25 mm trong vài tháng, tình hình rất nguy hiểm.
Các bác sĩ gợi ý ông tham gia thử nghiệm vaccine ung thư, một phương pháp mới mang tính cách mạng để điều trị căn bệnh này. Vaccine ung thư mRNA khác vaccine thông thường. Trọng tâm của vaccine không phải là phòng ngừa, mà được sử dụng như loại thuốc cá nhân hóa, nhằm huấn luyện hệ thống miễn dịch của người mắc chống lại bệnh ung thư. Để có liều vaccine, chuyên gia sẽ lấy mẫu khối u và mô khỏe mạnh của người bệnh, sắp xếp trình tự DNA và RNA, so sánh mức độ khác nhau để xác định đột biến, lấy làm kháng nguyên cho vaccine.
Cuộc thử nghiệm diễn ra tại Trung tâm Ung thư Clatterbridge ở Liverpool, dành cho những bệnh nhân ung thư biểu mô đầu và cổ do HPV-16 gây ra. Theo thống kê, một phần ba số ca ung thư đầu và cổ có liên quan đến loại virus này.
Là một phần của thử nghiệm, bệnh nhân được dùng pembrolizumab, có tên khác là chất ức chế điểm kiểm soát, giúp hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào ung thư. Các bác sĩ hy vọng vaccine sẽ kích thích tế bào miễn dịch, từ đó tiêu diệt tế bào ung thư, tăng cường hiệu quả phản ứng miễn dịch đối với khối u.
"Vaccine ung thư và thuốc ức chế điểm kiểm soát là liệu pháp miễn dịch, hoạt động bằng cách khai thác hệ thống miễn dịch. Mỗi mỗi loại nhắm vào khía cạnh sinh học khác nhau của ung thư", James Spicer, giáo sư y học ung thư thực nghiệm tại King's College London, cho biết.
Adrian tham gia nhóm thử nghiệm, tiêm liều vaccine đầu tiên vào tháng 11/2022, đến bệnh viện ba tuần một lần để tiêm thêm. Đồng thời, hai tháng một lần ông phải chụp chẩn đoán hình ảnh khối u.
Vào lần chụp đầu tiên, khối u ở phổi phải rộng tới 25 mm, phát triển nhanh chóng. Đến tháng 5 năm nay, khối u được thu nhỏ chỉ còn 4,6 mm. Các chuyên gia gọi đây là kết quả "đáng kinh ngạc và siêu thực".
"Tôi cảm thấy như được tái sinh, làm những việc chưa từng nghĩ có thể làm được. Tôi dắt con gái mình vào lễ đường hồi cuối năm ngoái, chứng kiến hai con khác tốt nghiệp. Tôi cảm thấy tuyệt vời và lạc quan vào tương lai", Adrian nói.
Các chuyên gia cho biết Adrian sẽ được tiêm vaccine thường xuyên, song song sử dụng pembrolizumab trong hai năm.
Adrian Taylor là một trong những bệnh nhân đầu tiên được sử dụng vaccine mRNA, trong chương trình hợp tác của chính phủ Anh với công ty BioNTech, Đức. Dự án này đặt mục tiêu cung cấp 10.000 liệu pháp điều trị cho bệnh nhân ung thư từ tháng 9/2022 đến cuối năm 2029.
"Nỗi tuyệt vọng chuyển thành niềm hy vọng. Căn bệnh ung thư không giết chết tôi. Giờ đây, tôi sống chung với nó và cảm thấy tuyệt vời", ông nói.
Thục Linh (Theo Daily Mail)