Anh Tân cho biết đang sử dụng ba đường truyền của một nhà cung cấp lớn cho gia đình, công ty từ nhiều năm và mới đăng ký thêm một đường truyền nữa cho người thân. Trước đây, các nhà mạng vẫn thực hiện chương trình khuyến mại, miễn phí lắp đặt và cho người dùng mượn modem. Tuy nhiên lần này, khi liên hệ tổng đài, anh được thông báo phải trả phí lắp đặt 300.000 đồng.
"Đây là lần đầu tôi phải đóng khoản này. Số tiền không quá lớn nhưng khiến tôi ngạc nhiên vì thường khi phổ biến, giá dịch vụ sẽ giữ nguyên hoặc ngày càng rẻ để tăng tính cạnh tranh", anh nói. Thực tế, các nhà cung cấp Internet lớn như Viettel, FPT, VNPT đều đã bắt đầu thu phí dịch vụ lắp đặt trong tháng 7.
Khi hỏi tư vấn để lắp Internet cho nơi ở trọ mới, Ngọc Minh, sinh viên năm tư Đại học Kiến trúc Hà Nội, cho biết điều trùng hợp là các nhà cung cấp cùng đưa ra các gói cước với "giá sàn" như nhau. Mức thấp nhất đều là 165.000 đồng trong khi các năm trước thường chênh lệch 10.000-50.000 đồng.
Ngoài việc thu thêm phí lắp đặt, chính sách về thiết bị không thay đổi. Người dùng vẫn được cho mượn modem kiêm bộ phát Wi-Fi tới khi dừng hợp đồng. Các thuê bao đăng ký gói tốc độ cao có thể được tặng thêm bộ phát cao cấp hơn như có Wi-Fi băng tần kép, hỗ trợ công nghệ Mesh, cấu hình mạnh chịu tải được nhiều thiết bị kết nối hơn.
Không chỉ đăng ký mới, những khách hàng cũ cũng bị cắt khuyến mãi. "Trước đây, tôi đóng cước nửa năm được tặng một tháng, đóng một năm được tặng 3-4 tháng, nhưng giờ chỉ còn một và hai tháng tương ứng", Huyền Thương (Nam Từ Liêm, Hà Nội) phản ánh.
Anh Tân, chị Thương cho biết việc thay đổi chính sách khuyến mại là điều bình thường với mọi loại hình dịch vụ. Các công ty có thể thêm hoặc bớt giá trị tặng kèm tùy thuộc vào nhu cầu thị trường, sản phẩm cung cấp và vị thế công ty hiện tại. Tuy nhiên, việc tất cả nhà mạng cùng thay đổi và đưa ra mức thu mới giống hệt nhau khiến họ lăn tăn về tính cạnh tranh. "Nếu tất cả nhà cung cấp cùng tăng giá, thêm các loại chi phí khác sau này, người dùng rõ ràng không có lựa chọn nào khác", anh Tân lo lắng nói.
Theo đại diện một nhà cung cấp Internet, thay đổi mới về chính sách giúp các công ty tập trung chi phí để phát triển hạ tầng mạng, nâng cấp đường truyền tốt hơn cho người sử dụng. "Các nhà mạng khi đó sẽ cạnh tranh bằng chất lượng thay vì bằng giá cước như trước", người này nói. Trước đây, các nhà mạng có khoản phí lắp đặt trong hợp đồng nhưng đều có chương trình khuyến mãi để người dùng không phải đóng số tiền này.
Trong khi đó, chuyên gia công nghệ Nguyễn Minh Tiến nhận định thị trường Internet cáp quang tại Việt Nam đã tương đối ổn định về số người sử dụng và thị phần của các nhà cung cấp. "Tăng trưởng người dùng không còn là ưu tiên hàng đầu mà thay bằng tăng doanh thu từ cước sử dụng hàng tháng thông qua nâng cấp tốc độ đường truyền, dịch vụ giá trị gia tăng khác", ông Tiến nói.
Thời gian qua, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam liên tục điều chỉnh về gói cước cũng như khuyến mại tới người dùng. Hồi tháng 6, các nhà mạng di động cũng cắt hàng trăm gói cước giá rẻ và gói data không giới hạn. Theo Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông, quy định hiện hành cho phép doanh nghiệp viễn thông tự quyết định gói cước. Cục chỉ đình chỉ giá cước trong trường hợp không đảm bảo giá thành (đối với doanh nghiệp thống lĩnh thị trường) hoặc khi doanh nghiệp viễn thông áp đặt, phá giá, gây mất ổn định thị trường và làm thiệt hại cho người sử dụng.
Vào tháng 8, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết để thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực viễn thông, tạo điều kiện cho doanh nghiệp viễn thông có cơ hội mới để phát triển, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, Bộ đã triển khai và đề ra bốn chính sách lớn, trong đó có chính sách "phát triển các gói cước dịch vụ viễn thông phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân". Trên thị trường, doanh nghiệp có thể tạo ra nhiều gói cước phù hợp mức chi trả của các nhóm khác nhau, đảm bảo nhu cầu của người dùng.
Hoài Anh