Văn hóa Mỹ và nhiều nước phương Tây đề cao sự tự lập nên thông thường con cái dọn ra ở riêng từ năm 18 tuổi hoặc khi đã tốt nghiệp đại học. Nhưng kết quả khảo sát mới công bố hồi giữa tháng 9 của công ty nghiên cứu Harris Poll, trong hai năm qua, hơn 60% Gen Z (sinh từ 1997 đến 2012) và Millennial (sinh từ 1981 đến 1995) quay về nhà sống nhờ bố mẹ, chủ yếu vì gặp khó khăn tài chính.
Nhiều người cho biết phải vật lộn với chi phí nhà ở cao, gánh nặng trả nợ sinh viên, lạm phát và hàng loạt bấp bênh khác. Khảo sát chỉ ra lý do hàng đầu để trở về là tiết kiệm tiền (hơn 40%), không đủ khả năng sống một mình (30%). Các yếu tố khác còn có trả nợ dần (19%), phục hồi tài chính (16%), mất việc làm (10%).
Khảo sát được tiến hành trực tuyến vào tháng 8, nhận được phản hồi của hơn 4.000 người trưởng thành.
Tuy nhiên, người trẻ không phải nhóm duy nhất gặp rắc rối với tài chính. Theo Harris Poll, 81% người được hỏi đồng tình rằng đạt được ổn định tài chính hiện nay khó hơn 20 năm trước. 74% chung quan điểm giới trẻ Mỹ đối mặt với tình hình kinh tế đổ vỡ.
Khi nhiều Gen Z và Millennials về nhà hơn hơn, thái độ đối với việc sống chung cùng gia đình cũng thay đổi. Theo khảo sát, 40% thanh niên cảm nhận hạnh phúc khi sống ở nhà, còn 33% thấy đây là lựa chọn thông minh.
Ngoài ra, tỷ lệ lớn người tham gia khảo sát cho biết họ thông cảm với những người chọn sống với gia đình. 87% nói không nên phán xét ai đó vì ở cùng bố mẹ.
Gần đây, thế hệ Baby Boomer (từ 58 đến 76 tuổi) đã vượt qua Millennials trở thành nhóm người mua nhà nhiều nhất. 39% mua nhà trong năm 2022, so với 28% của Millennials, theo dữ liệu tháng 3 của Hiệp hội Môi giới quốc gia. Con số tăng từ 29% của một năm trước đó và cao chưa từng có.
Tiền thuê nhà cũng tăng đều, hơn 18% kể từ năm 2020. Tính đến tháng 8, giá thuê trung bình trên khắp nước Mỹ đạt mức cao kỷ lục, lên 2.052 USD (gần 50 triệu đồng) mỗi tháng, theo website Rent.com.
Huy Phương (Theo CBS News)