Phong tục này đã được duy trì qua ba thế hệ gia đình người phụ nữ ở quận 8, TP HCM. Chị Ngân tin rằng người giật càng nhiều thì năm đó sẽ làm ăn phát đạt. Tiền được gấp thành hình tam giác để không bị gió thổi bay. Mâm cúng gồm mía, đậu phộng, trái cây, giấy tiền vàng bạc và nhang đèn.
Mọi năm, chị chỉ cần thắp nhang khoảng 30 phút, người đi đường, trẻ em và hàng xóm đã đứng chật dưới sân nhà. Sau màn rải tiền, chị Ngân tặng tất cả bánh trái cho mọi người.
Gia đình Ngân xem việc bố thí trong tháng 7 âm lịch khá quan trọng, họ thường chọn một ngày bất kì trong tháng để tặng mì gói, dầu ăn và gạo cho người khó khăn. Giật cô hồn cũng được xem là hình thức chia sẻ.
Phong tục giật cô hồn tại Sài Gòn phổ biến nhất ở khu vực quận 5, quận 6 và quận 11, thường thấy ở các hộ gia đình gốc Hoa có kinh doanh. Gia chủ sẽ xếp tiền nhiều mệnh giá khác nhau rồi ném đi người qua đường tranh nhau nhặt.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Thuận 40 năm bán mâm lễ cô hồn tại chợ Xóm Củi, quận 8, TP HCM nói nghi thức cúng tùy theo mỗi gia đình nhưng mâm cúng bao giờ cũng có giấy quế nhơn, tượng trưng cho những vong hồn vất vưởng. Nhiều người tin rằng việc cúng bái cho họ no bụng sẽ mang đến tài lộc và may mắn.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Đình Hải, tập quán giật cô hồn phổ biến ở các địa phương đông nam Trung Quốc, chủ yếu là vùng Phúc Kiến, gọi là "cướp cô". Đây là phần hội trong lễ hội Vu Lan, mục đích là giúp cho các oan vong, cô hồn được chuyển kiếp, siêu độ, không trở lại quậy phá nhân gian, cầu cho mưa thuận gió hòa, làm ăn buôn bán thuận buồm xuôi gió.
Khoảng nửa cuối thời nhà Thanh, do sự biến tướng của lễ hội, cướp cô khiến nhiều người bị thương, thậm chí đánh nhau gây nhiều vấn đề xã hội nên triều đình đã cấm tổ chức.
Người Hoa theo đường biển di cư vào Nam bộ - vùng đất ảnh hưởng Phật giáo Nam Tông và mang theo phong tục này. Nghi thức thực hiện dần được điều chỉnh trong khối dân cư và cộng đồng và trở thành tục giật cô hồn.
Tiến sĩ Dương Hoàng Lộc, giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM nói từ lâu người Việt đã xem bố thí là tinh thần chủ đạo trong tháng 7 âm lịch, dành cho người sống lẫn người đã khuất. Cúng thí thực cô hồn dành cho những vong hồn không có người thờ tự, sau vật phẩm như bánh, mía, gạo, mè, dầu được mang phát cho người nghèo. Phong tục này gắn với đời sống tâm linh của con người.
Cũng bởi yếu tố trên, ông Đình Hải cho rằng cả gia chủ và người giật cô hồn nên đặt yếu tố văn hóa lên hàng đầu, không nên xuất phát từ lòng tham sẽ dễ gây biến tướng bởi từ ban đầu, mục đích của hội là tạo nên không khí vui vẻ cho mọi người, cầu may mắn, thịnh vượng.
Ngọc Ngân