Người nhà cho biết đàn ong lên tới vài nghìn con, phải dùng bình xịt muỗi mới giải cứu được bệnh nhân. Sau đó, ông được đưa vào Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ phát hiện trên cơ thể có hơn 300 nốt đốt, nguy kịch.
Bệnh nhân được thay huyết tương, lọc máu liên tục, thở máy, hiện đã thoát cửa tử.
Ngày 8/9, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, cho biết đây là một trong hai ca bị ong đốt rất nặng nơi này tiếp nhận trong tuần qua. Trường hợp khác là nữ, 90 tuổi, ở Nam Định, ra vườn chặt chuối, bị đàn ong vò vẽ đốt nhiều nốt. Bệnh nhân vào Bệnh viện Quân y 5, được chẩn đoán phản vệ độ 2, biến chứng suy đa tạng, chuyển lên Trung tâm Chống độc.
Tại đây, bà cụ được điều trị tích cực bao gồm các biện pháp hồi sức, lọc máu và giải độc, hiện hồi phục.
Theo bác sĩ Nguyên, vào mùa thu, tại khu vực phía Bắc, nhiều bệnh nhân nhập viện do ong vò vẽ, ong khoái, ong bắp cày đốt. Nọc độc của ong gây hại đến tất cả cơ quan trong cơ thể, cần điều trị sớm, tích cực ngay tại y tế cơ sở. Các trường hợp diễn biến nặng cần được chuyển lên tuyến trên để can thiệp kịp thời.
Biện pháp điều trị đơn giản là ngay sau khi bị ong đốt, người dân nên uống đủ nước, đặc biệt là các loại nước có chất khoáng, muối, nước canh, oresol và khẩn trương đưa đến y tế cơ sở. Y bác sĩ cần nhanh chóng bù đủ dịch, nước cho bệnh nhân. Những trường hợp nặng hơn cần kiểm tra, theo dõi kỹ, lọc máu, thay huyết tương sớm nếu cần.
"Việc bù muối, bù nước rất quan trọng, là yếu tố 'sống còn' để cứu sống bệnh nhân", bác sĩ Nguyên nói, thêm rằng việc này giúp nọc độc của ong bài tiết qua nước tiểu, từ đó giảm nguy cơ suy đa tạng.
Lê Nga