Thứ sáu, 29 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Nguyên nhân Libya hứng chịu lũ quét khiến hơn 5.300 người chết

Thứ bảy, 16/09/2023 | 00:45
[G-News24/7] -

Bão Daniel tuần trước tàn phá Hy Lạp, quét qua Địa Trung Hải, sau đó đổ bộ bờ biển đông bắc Libya ngày 10/9, ảnh hưởng hàng loạt thành phố như Benghazi, Bayda và Derna. Do ảnh hưởng của bão Daniel, các khu vực này hứng chịu lượng mưa lớn kỷ lục ngày 10-11/9.

Mưa lớn khiến hai con đập trên thượng nguồn con sông chảy qua thành phố Derna bị vỡ, dòng nước lũ ào ạt đổ về đô thị này, cuốn trôi mọi thứ, kéo sập nhà cửa, làm hơn 5.300 người thiệt mạng, theo giới chức địa phương.

Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA) ước tính ít nhất 5.000 người mất tích, trong khi giới chức địa phương cho hay khoảng 10.000 chưa được tìm thấy, có thể đã bị nước lũ cuốn ra biển hoặc bị vùi lấp trong các đống đổ nát. Abdulmenam al-Ghaithi, thị trưởng Derna, ngày 13/9 cảnh báo số người chết có thể lên đến 18.000 hoặc 20.000.

Giới chuyên gia nhận định thời tiết cực đoan, vị trí địa lý dễ tổn thương, kết cấu đập và hạ tầng không vững chắc đã khiến trận lũ quét ở Libya trở thành thảm họa chết chóc nhất ở Bắc Phi trong gần một thế kỷ.

Thời tiết cực đoan và vị trí địa lý dễ tổn thương

Trung tâm Khí tượng Quốc gia Libya đã ghi nhận lượng mưa kỷ lục 414,1 mm trong 24 giờ, từ ngày 10 đến ngày 11/9, ở Bayda, cách Derna 100 km về phía tây, theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO). Chuyên gia thời tiết Maximiliano Herrera cho biết phần lớn lượng mưa này trút xuống khu vực đồi núi ở miền tây Libya trong vòng 6 giờ.

Lybia-1982-1694675035.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=3EnsgijTUyDS7vx30V0X8g

Tổng lượng mưa trong ba ngày tính đến 11/9 tại các khu vực đông bắc Libya. Đồ họa: WP/NASA

Bayda chỉ nhận lượng mưa 12,7 mm trong tháng 9 và trung bình hàng năm hơn 543,5 mm. Giới khoa học cho rằng biến đổi khí hậu khiến các đợt mưa lớn xuất hiện thường xuyên hơn tại khu vực những năm gần đây.

Thị trấn Al Abraq nằm giữa Bayda và Derna ghi nhận lượng mưa 170 mm, theo website chuyên ghi nhận thông tin lũ lụt Floodlist. Những nơi khác nhận lượng mưa 150-240 mm.

Các khu vực này đều nằm ở thượng nguồn, nơi có địa hình cao, khiến nước lũ tích tụ và dồn về vùng duyên hải phía đông, nơi có thành phố Derna với khoảng 90.000 dân.

Derna nằm sát bờ biển, có vị trí thấp so với khu vực còn lại, khiến nơi này dễ bị ngập lụt. Đất đai trở nên khô rắn sau một mùa hè nóng và kéo dài, khiến nước mưa có xu hướng đọng lại trên bề mặt nhiều hơn là ngấm xuống lòng đất.

Đây được coi là một trong những yếu tố tạo ra lũ quét với tốc độ di chuyển nhanh. Những khu vực ẩm ướt hơn thường có đất tơi xốp, giúp hấp thụ phần lớn nước mưa và giảm thiểu phần nào nguy cơ lũ lụt.

Derna-1336-1694675035.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Uuz-71QMJQ9AZ94M5UElzQ

Vị trí hai đập nước bị vỡ, khiến thành phố Derna chịu thiệt hại nặng nề. Đồ họa: WP

Nhân chứng mô tả nước lũ ở thành phố Derna cao đến 3 m, các ngôi nhà và cánh đồng đều ngập nước. Derna nằm ở cuối một thung lũng được gọi là Wadi Derna. "Wadi" được dùng ở một số quốc gia Arab để chỉ thung lũng, kênh luôn khô hạn, ngoại trừ mùa mưa.

Cơ sở hạ tầng

Lũ lụt hiếm khi xảy ra ở Bắc Phi. Lần gần nhất khu vực hứng chịu lũ lụt là năm 1927 ở Algeria. Do đó, cơ sở hạ tầng tại đây thường không được xây dựng theo hướng ứng phó loại thảm họa này.

Tình hình càng tồi tệ hơn ở Libya, quốc gia Bắc Phi vốn đã chìm trong chiến sự hơn 10 năm qua, với các phe phái tranh giành quyền lực. Khu vực miền đông, nơi có thành phố Derna, do liên minh đối lập kiểm soát. Liên minh này không được cộng đồng quốc tế công nhận, khiến các nỗ lực hỗ trợ, liên lạc quanh vùng chịu thảm họa càng trở nên khó khăn.

"Derna từng bị lực lượng Hồi giáo cực đoan kiểm soát", Natasha Hall, nhà nghiên cứu về tình hình nhân đạo khẩn cấp ở Trung Đông thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), nói.

Thành phố hiện nằm dưới sự kiểm soát của tướng Khalifa Hifter, lãnh đạo liên minh Quân đội Quốc gia Libya (LNA), sau cuộc giao tranh năm 2018-2019. Hạ tầng ở Libya nhìn chung đã suy yếu do xung đột kéo dài, các công trình ở Derna cũng chưa được sửa chữa hay tái thiết hoàn toàn do xung đột.

"Các con đập, cơ sở khử muối, lưới điện và đường sá ở Libya đều trong tình trạng hư hỏng", Stephanie T. Williams, cố vấn đặc biệt về Libya của tổng thư ký Liên Hợp Quốc giai đoạn 2021-2022, nói.

Derna có hai con sông chảy qua, và được bảo vệ bởi hai con đập được xây dựng từ những năm 1970 để ngăn lũ. Tuy nhiên, do vùng này ít khi bị lũ lụt, hai con đập được xây dựng khá thô sơ, với phần lõi được đắp bằng đất sét, hai bên thân được gia cố bằng đá hộc và đá dăm.

Bởi vậy, khi lượng nước từ vùng núi phía tây đổ về quá lớn, cả hai con đập đều nhanh chóng bị xói lở và vỡ, khiến khoảng 30 triệu m3 nước đổ về Derna. Phó thị trưởng Derna Ahmed Madroud cho hay khu vực đông dân cư nhất của thành phố nằm ngay trên đường chảy của dòng lũ quét đổ ra biển.

Williams lưu ý rằng thành phố Derna còn nằm dưới chân một dãy núi rất dốc. Đây là vị trí đỉnh của khu vực gọi là "quạt phù sa", được hình thành từ trầm tích do các sông, suối mang đến. Khi mưa lớn xảy ra, các vùng "quạt phù sa" thường đối mặt nguy cơ xuất hiện lũ quét mạnh, bất ngờ, có thể cuốn trôi mọi thứ trên đường đi.

"Ít nhất 20% thành phố đã bị phá hủy trong trận lũ", Madroud nói.

Bà Hall lưu ý chính quyền địa phương cũng không cảnh báo nguy hiểm với người dân khi mưa lớn xảy ra. "Thông thường, chúng ta sẽ có một hệ thống cảnh báo sớm để kêu gọi người dân sơ tán hoặc trú ẩn nếu cần thiết. Nhưng trong trường hợp này thì không", bà nói.

33V67DE-highres-1164-1694675036.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=VA7Fz9TpbNfUpnSU957Q1Q

Một khu vực ở thành phố Derna, Libya bị lũ cuốn trôi trong ảnh chụp ngày 13/9. Ảnh: AFP

Như Tâm (Theo Washington Post, Al Jazeera)

g-news247