Mất ngủ là dạng rối loạn giấc ngủ phổ biến, với các biểu hiện như khó đi vào giấc ngủ, không ngủ sâu giấc, thường xuyên dậy sớm khi chưa đủ giấc... Mất ngủ kéo dài gây rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, nguy cơ nhồi máu cơ tim, béo phì.
Tuổi cao
Tuổi càng cao, các tế bào và cơ quan trong cơ thể dần trở nên lão hóa. Trong đó, các tế bào thần kinh suy giảm chức năng khiến người già mất ngủ, khó ngủ, ngủ không yên giấc. Tỷ lệ mất ngủ tăng lên khi già đi vì kiểu ngủ và tình trạng sức khỏe có xu hướng thay đổi.
Mãn kinh
Phụ nữ dễ mất ngủ hơn nam giới, nhất là phụ nữ thời kỳ mãn kinh do giảm hormone estrogen và progesterone. Suy giảm estrogen làm giảm khả năng hấp thụ và sản xuất magiê - một khoáng chất giúp giãn cơ. Cơ bắp căng cứng cùng hiện tượng bốc hỏa và đổ mồ hôi đêm làm gián đoạn giấc ngủ, ngưng thở khi ngủ. Nồng độ progesterone thấp cũng khiến phụ nữ bị rối loạn giấc ngủ.
Mắc bệnh
Mắc một số bệnh là nguyên nhân trực tiếp gây mất ngủ hoặc các triệu chứng như đau, mệt mỏi, khó thở ảnh hưởng đến giấc ngủ. Các bệnh này có thể gồm viêm khớp, đau lưng, đau đầu, hen suyễn. Người bị trào ngược dạ dày thực quản, dị ứng, cường giáp, mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suy tim sung huyết, bệnh Parkinson cũng thường khó ngủ.
Theo nghiên cứu năm 2015 về giấc ngủ của Đại học Y Baylor (Mỹ), người càng trải qua nhiều cơn đau thì giấc ngủ càng bị xáo trộn. Giấc ngủ kém có liên quan đến khả năng chịu đựng hoặc ngưỡng chịu đau thấp hơn.
Hội chứng chân không yên là rối loạn khiến người mắc có cảm giác khó chịu ở chân, muốn cử động chân để bớt cảm giác này làm gián đoạn giấc ngủ. Chứng ngưng thở khi ngủ khiến đường thở bị tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn dẫn đến ngừng thở trong khi ngủ. Điều này làm cơ thể thức giấc trong thời gian ngắn nhưng lặp đi lặp lại trong đêm.
Căng thẳng, trầm cảm
Căng thẳng, trầm cảm, lo âu làm cơ thể khó vào giấc, ngủ không ngon. Các tình trạng này được cải thiện giúp chất lượng giấc ngủ tốt hơn. Tập thể dục, yoga, thiền và thói quen sống lành mạnh như không thức khuya, bỏ hút thuốc... có thể giảm căng thẳng và nguy cơ trầm cảm.
Dùng chất kích thích
Uống quá nhiều thức uống chứa caffeine (trà, cà phê, nước ngọt) hoặc quá gần giờ đi ngủ có thể làm bạn tỉnh táo, căng thẳng, khó chợp mắt hơn. Theo Tổ chức Giấc ngủ Mỹ, rượu bia có thể giúp bạn buồn ngủ ngay sau khi uống nhưng nó cũng làm gián đoạn giấc ngủ trong đêm. Để ngủ ngon, nên tránh rượu bia hoặc không uống quá gần giờ đi ngủ.
Sử dụng thiết bị điện tử khi đi ngủ
Ánh sáng từ các thiết bị điện tử ức chế melatonin - một loại hormone cơ thể sản xuất ra để báo hiệu khi nào nên đi ngủ và thức dậy. Sử dụng chúng trước khi đi ngủ làm cơ thể nhận được tín hiệu báo tỉnh táo thay vì đã đến lúc buồn ngủ.
Tập thể dục gần giờ đi ngủ
Hoạt động thể chất thường xuyên giúp ngủ ngon nhưng tập thể dục quá gần giờ lên giường lại gây kích thích, khiến cơ thể khó thư giãn hơn để chìm vào giấc. Nếu bạn bận việc và tập thể dục ban đêm, nên cố gắng tập sớm hơn, chọn bài tập cường độ thấp.
Mai Cat (Theo Everyday Health)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp