Thứ tư, 27 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Nhà, đất quê tôi đua nhau 'ngáo giá'

Thứ hai, 11/09/2023 | 10:56
[G-News24/7] -

Ở Việt Nam, đến đâu tôi cũng nghe thấy người ta nói chuyện làm giàu bằng đất đai. Câu chuyện làm giàu của các thế hệ từ 6X đến đầu 8X, vẫn được truyền miệng rất nhiều rằng: Anh A, chị B tiết kiệm được vài trăm triệu, thậm chí là vài chục triệu đồng, mua một mảnh đất, tầm 5-7 năm sau gặp cơn "sốt đất", giá lên đến vài tỷ, hoặc vài chục tỷ đồng.

Nhà ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM thì tôi không nói, ở nước nào cũng vậy thôi, nhà ở đô thị lớn vẫn luôn đắt đỏ. Dù tỉ lệ sinh có giảm, dân số âm thì ở các đô thị lớn, sự gia tăng dân số cơ học vẫn diễn ra. Nhưng ở Việt Nam hiện giờ, vì nạn đầu cơ đất mà nhà cửa ở vùng nông thôn, dù địa giới đang là làng xã thì giá cũng vài tỷ đồng một căn.

Ở thị trấn quê tôi, dù là vùng không có sân bay hay cảng biển, không có khu du lịch nổi tiếng cả nước, mà cũng có những căn nhà "ngáo giá" lên tới 10-12 tỷ đồng. Căn nhỏ ở xa trung tâm huyện hơn một chút cũng có giá từ 3-5 tỷ đồng. Thu nhập của người dân ở tỉnh lẻ thấp hơn Hà Nội, nhưng thanh niên trẻ, dù chọn sống ở tỉnh lẻ cũng khó mua nhà. Chẳng qua, về quê, họ được sống trong nhà của cha mẹ, hoặc có đất đai từ đời trước tích lũy để lại nên mới dễ thở hơn. Còn tay không mua nhà thì thành thị hay nông thôn cũng chật vật.

Tiền chết trong đất như vậy nên nền sản xuất nước ta không thể phát triển, thiếu việc làm, người trẻ lại phải đi bán sức lao động nơi xứ người. Vòng luẩn quẩn ấy sẽ còn tiếp diễn nếu tư tưởng đổ tiền vào nhà đất của người Việt không chịu thay đổi.

>> Bài toán bán đất của những gia đình nông dân không có người kế nghiệp

Tất nhiên, ở Việt Nam, tôi vẫn ủng hộ việc mua nhà, vì nước ta toàn thuê nhà của cá nhân, không biết họ đòi lại nhà vào lúc nào. Lúc cho thuê ai cũng buông lời mật ngọt: "Các em yên tâm, anh chị cho thuê lâu dài". Nhưng đùng một cái, năm sau họ đòi lại nhà để bán cho được giá, người thuê hoàn toàn có thể bị đẩy ra đường bất cứ lúc nào. Nhưng bao giờ mua, mua căn nhà giá bao nhiêu, kế hoạch vay và trả nợ như thế nào... là tùy điều kiện cụ thể của từng người. Bạn cần cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định.

Phải tính toán thế này, sau khi trả số nợ cố định hàng tháng, gia đình bạn vẫn phải dư tầm 15-20% thu nhập để phòng trường hợp rủi ro đột xuất, có như vậy mới nên mua nhà. Chứ cứ nhắm mắt mua rồi hết tháng trả nợ xong là không còn đồng nào thì cuộc sống rất bất an.

Nhiều người thu nhập thấp, nhưng lại đòi ở nhà sang. Với tình hình đất đai đang tăng giá chóng mặt như hiện nay thì người có thu nhập 15 triệu đồng một tháng muốn về tỉnh lẻ mua nhà cũng khó. Giờ nhà đất ở quê tôi không có mảnh nào dưới một tỷ đồng cả, dù là nhà trong làng, còn nhà ngoài thị trấn phải cỡ 2 tỷ đồng trở lên.

Nói thật, tổng thu nhập mà chỉ có 15 triệu đồng một tháng thì tốt nhất không nên bám trụ ở thành phố. Với mức thu nhập đó, thời buổi này chỉ phù hợp sống ở quê, sống trên đất của bố mẹ thôi. Vì thu nhập ở mức đó mà sinh đủ hai con, lo cho bọn trẻ ăn học nữa thì chỉ tiết kiệm được vài triệu đồng mỗi tháng.

Đinh Vũ Quỳnh Dương

>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

  • Bài toán chuyển nhà ra ngoại thành để làm giàu
  • 12 năm không mua được nhà vì chê lô đất 800 triệu đồng ở huyện
  • Bài toán tất tay mua nhà 3 tỷ đồng của mẹ đơn thân
  • Thách thức mua nhà thành phố của người thu nhập 7 triệu đồng
  • '5 năm chưa chắc thấy đáy bất động sản'
  • Nước cờ sai khi mua nhà Hà Nội cho con học đại học
g-news247