Anh Hùng, đầu tư hơn 12 tỷ đồng xây biệt thự nghỉ dưỡng kết hợp kinh doanh cho thuê tại Ba Vì gần một năm nay. Gần đây, anh xem được bài rao bán căn nhà của mình trên hội nhóm nhà đất với giá thấp hơn tương đối so với mức giao dịch trên thị trường. Thử tìm kiếm trên các trang rao vặt bất động sản, anh thấy một tin đăng rao bán căn biệt thự của mình ở vị trí nổi bật trên trang.
Trong vai khách mua nhà, anh gọi vào số điện thoại đăng tin rao vặt. Môi giới cho biết căn nhà cắt lỗ 20%, tặng tiện ích cảnh quan, hồ bơi nên đã có người mua, đồng thời giới thiệu anh một khu đất xây homestay nghỉ dưỡng ở vị trí xa hơn 5 km.
"Tôi nói môi giới đó đây là nhà của tôi, không được đăng thông tin rao bán. Nhiều người quen cũng xem được những tin rao đó, hỏi thăm gia đình tôi vì tưởng bị vỡ nợ", anh Hùng nói. Một người hàng xóm của anh cũng gặp tình cảnh tương tự.
Vào ở căn biệt thự tại khu đô thị phía Tây Hà Nội gần hai năm nay, chị Hoài, 35 tuổi, cũng bức xúc khi một số bạn bè gửi thông tin căn nhà của chị được rao bán cắt lỗ tràn lan trên hội nhóm bất động sản. Chị này xem bài đăng thì đúng hình ảnh ngôi nhà, kèm quảng cáo "chính chủ rao bán" vì áp lực tài chính. Giá "cắt lỗ" được đăng tải giảm khoảng 3 tỷ đồng so với mặt bằng xung quanh.
Chị lập tức gọi vào số di động đăng tin, cảnh báo môi giới về việc tự ý dùng hình ảnh nhà của mình. Người này xin lỗi và nói hình ảnh chỉ để minh họa do căn nhà có vị trí đẹp, đã hoàn thiện trong khi dãy nhà xung quanh vẫn còn để thô. Người này cũng nói thông tin cắt lỗ là để "câu khách" và xin gỡ bài đăng. Vài tuần sau, ngôi nhà chị tiếp tục bị rao bán trên trang tin rao bất động sản trực tuyến bởi một môi giới khác.
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhìn nhận có tình trạng nhiều "cò đất" thường dùng các chiêu trò rao bán cắt lỗ, vỡ nợ để "giăng bẫy" khách. Một số đơn vị bán hàng cũng bày trò dàn trận để khách chốt cọc liên tục nhằm kích thích khách giao dịch.
Tại một hội nghị về chuyển đổi số bất động sản gần đây, ông Phạm Lâm, Chủ tịch DKRA Group cho biết thách thức lớn nhất trên thị trường là kiểm soát dữ liệu về bất động sản. Đây là điểm yếu khiến người mua dễ rơi vào những chiêu trò của một nhóm môi giới. Ông Lâm ví dụ một căn nhà phố có giá trên thị trường 10 tỷ đồng nhưng môi giới rao "chính chủ cắt lỗ" còn 9 tỷ. Nhiều người mua tưởng giá tốt lập tức liên hệ thì nhận được thông tin căn nhà đã giao dịch. Người mua ngay lập tức được giới thiệu sang căn nhà khác với lời chào "vị trí gần đó, không khác nhiều căn cũ, giá thậm chí hời hơn". Nếu không mua, số điện thoại cá nhân của họ cũng bị rò rỉ, liên tục bị làm phiền bởi lời mời chào nhà đất.
"Chiêu trò này khiến cho người có nhu cầu lại không tiếp cận được bất động sản như mong muốn. Đó cũng là lý do họ cảm thấy thông tin của môi giới luôn thiếu tin cậy", ông Lâm nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia của Hội môi giới nhìn nhận dù có quy định xử phạt môi giới cung cấp không chính xác hồ sơ, thông tin về bất động sản từ 10 đến 25 triệu đồng nhưng mức phạt không nhiều. Do đó, Hội kiến nghị cần có cơ chế pháp luật ràng buộc về vai trò, trách nhiệm của môi giới trong việc tư vấn, cung cấp thông tin. Ví dụ tất cả môi giới viên bắt buộc phải có chứng chỉ hàng nghề, tránh hoạt động kết nối giao dịch một cách tự phát, không chịu sự quản lý chuyên nghiệp của cơ quan nào.
Theo Hội, chứng chỉ này sẽ được số hóa dưới hình thức thẻ hàng nghề, hình thành hệ thống thông tin dữ liệu để cơ quan nhà nước quản lý. Mã thẻ sử dụng khi ký hợp đồng sẽ là căn cứ để đánh giá trách nhiệm liên đới khi các giao dịch xảy ra vấn đề.
Ngọc Diễm