Thứ năm, 28 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Nhà nước sẽ đầu tư phòng thí nghiệm công nghệ bán dẫn

Thứ tư, 13/09/2023 | 09:14
[G-News24/7] -

Ngày 11/9, Chính phủ đưa ra yêu cầu trên tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 8. Các phòng thí nghiệm công nghệ bán dẫn có thể được giao cho đại học, viện nghiên cứu vận hành.

Tại Hội nghị cấp cao Việt Nam - Mỹ về đầu tư và đổi mới sáng tạo ngày 11/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề xuất một số tập đoàn như Intel, Amkor, Marvell phát triển hệ sinh thái và tiến tới cùng đối tác Việt Nam hợp tác nghiên cứu phát triển, thiết kế sản phẩm bán dẫn.

Trong tuyên bố chung về quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt - Mỹ hôm qua, hai bên ghi nhận tiềm năng của Việt Nam trong việc trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn, đồng thời "ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam". Tuyên bố nhắc đến kế hoạch khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực bán dẫn, trong đó Chính phủ Mỹ sẽ cấp khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá 2 triệu USD, cùng với các khoản hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân trong tương lai.

IMG-3851-1681481586-9360-1694527479.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=LiFWAcWTQB2RiU-wnoWiYA

Chip vi lưu tập trung làm giàu protein của Đại học Quốc gia Hà Nội, tháng 4/2023. Ảnh: Như Quỳnh

Theo báo cáo của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn, doanh thu chip bán dẫn toàn cầu năm 2022 là khoảng 556 tỷ USD. Tiềm năng to lớn khiến ngành bán dẫn trở thành mục tiêu hấp dẫn đối với nhiều quốc gia.

Tuy nhiên theo phân tích của tổ chức CSIS, sự phức tạp của một con chip khiến chưa có quốc gia nào có thể tự sản xuất chip bán dẫn một mình. Một chip tích hợp (IC) có kích thước một inch vuông, chứa bên trong là hàng triệu hoặc thậm chí hàng tỷ bóng bán dẫn. Để làm ra một sản phẩm như vậy, nhà sản xuất mất 4-6 tháng với hơn 500 giai đoạn riêng biệt, từ thiết kế trên phần mềm chuyên dụng đến chế tạo tại nhà máy và lắp ráp, thử nghiệm tại các cơ sở chuyên dụng. Theo ước tính của công ty tư vấn Accenture, các thành phần tạo nên một chip có thể được chuyển qua lại giữa các quốc gia khoảng 70 lần, trước khi có một thành phẩm đến tay người tiêu dùng.

Đây được đánh giá là cơ hội cho các thị trường mới như Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam với đội ngũ kỹ sư chỉ khoảng 5.000 người vẫn còn rất nhỏ so với thị trường trăm tỷ USD này.

Viết Tuân

g-news247