Trong cuộc sống, sẽ có những nỗi đau, sự mất mát mà không ai lường trước. Với nhà thơ Huệ Triệu cũng vậy. Sự ra đi của người chồng vào tháng 8-2021 giữa đại dịch Covid-19 có lẽ là nỗi đau, sự ám ảnh không thôi với chị. Chị lựa chọn viết giống như một cách “vịn vào câu thơ mà đứng dậy”.
Dường như, được chắt chiu từ nỗi đau, từ niềm thương nhớ khôn nguôi đến người chồng quá cố nên trường ca Người về trong hương lần này là một dấu ấn đặc biệt của Huệ Triệu, cũng là tác phẩm khiến bạn đọc không khỏi rưng rưng. Tập trường ca dài gần 100 trang, gồm 4 chương: Bóng vườn xanh, Thành phố giữa cuồng phong, Ngọn lửa hóa thân, Người về trong hương.
Nhà thơ Huệ Triệu trong vòng tay yêu thương của bạn bè và đồng nghiệp
Trong lời đề từ của Người về trong hương, nhà thơ Huệ Triệu viết: “Xin dâng lên hương hồn chồng tôi. Tưởng niệm những nạn nhân đã mất vì Covid-19”. Trường ca tái hiện một cách trung thực một giai đoạn đau thương, tàn khốc do dịch bệnh Covid-19 gây ra ở TPHCM. Đây không chỉ là câu chuyện của riêng gia đình nhà thơ Huệ Triệu mà còn là cảnh ngộ chung của bao nhiêu gia đình khác trong thời khắc dịch bệnh kinh hoàng. Đau thương và kiên cường, mất mát hy sinh và tình người sâu nặng... Người dân thành phố vai nặng trĩu đau thương nhưng đã kiên cường gạt nước mắt tủi buồn để cùng chở che, đùm bọc để thành phố được hồi sinh.
Trường ca được viết ra, để tỏ bày thương yêu vô hạn với người đã khuất, nhưng cũng là để tri ân trước nghĩa tình sâu nặng, và cũng là một cách để tự nhắc nhở mình - tiếp tục vượt lên nỗi đau và bước tiếp. Đó cũng còn là trách nhiệm của người cầm bút trước cuộc đời.
Vì lẽ đó, Người về trong hương cũng được xem như một cuốn tư liệu bằng thơ, về một thời đoạn mà thành phố phải căng mình chịu bao khó khăn: “Thành phố tôi một trăm hai mươi ngày giãn cách/ Một trăm hai mươi ngày nhức nhối ngày đêm/ Liên tiếp những kỷ lục buồn được lập/ Những kỷ lục xây bằng nước mắt/ Những tâm hồn chằng chịt vết thương”.
Nhà văn Bích Ngân (đứng) chia sẻ tại chương trình
Chia sẻ về trường ca Người về trong hương, nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM cho rằng, dù là tác phẩm đầy riêng tư nhưng vẫn hòa quyện được nỗi đau của một thành phố tang thương trong đại dịch với mất mát của biết bao số phận, bao gia đình. Và không chỉ có nỗi đau. Còn là sự gắn kết, đùm bọc, san sẻ, đỡ nâng, dắt dìu.
“Nhiều câu thơ, nhiều đoạn thơ thật giàu cảm xúc, giàu hình ảnh, giàu suy tưởng. Và cách nào đó, người vợ, người mẹ, người thơ Huệ Triệu, bằng trái tim chan chứa yêu thương đã làm được chiếc cầu, một chiếc cầu ánh lên cái sắc lung linh hư thực của chiếc cầu vồng nhưng không phải chiếc cầu vồng của bóng mây, mà là một chiếc cầu trên mặt đất bắc qua một dòng sông chảy xiết nỗi niềm bằng từng nhịp cầu vững chãi. Những nhịp cầu nối miền ký ức, nối yêu thương và nối sự hiển linh mầu nhiệm giữa người ra đi và người ở lại”, nhà văn Bích Ngân bày tỏ.
Nhà thơ Huệ Triệu đồng thời cũng là Nhà giáo Ưu tú, nguyên là giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM), hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn TPHCM.
Trước trường ca Người về trong hương, chị từng xuất bản 6 tập thơ: Mùa cây thay lá (2009), Thức một miền xanh (2011), Cảm thức sông (2014), Thơ tình Huệ Triệu - Trần Mai Hường (2015, in chung), Đoản khúc trao mùa (2018), Lục bát Đặng Nguyệt Anh - Huệ Triệu - Trần Mai Hường (2019, in chung).
QUỲNH YÊN