Nhà văn, Đại tá Nguyễn Minh Ngọc: “Cao hơn bầu trời là Tổ quốc Việt Nam”
- PHÓNG VIÊN: Những nhân vật trong tập bút ký Núi rộng sông dài hầu hết đã quen thuộc với công chúng. Khai thác lại những nhân vật này, ông mong muốn mang đến điều gì cho bạn đọc?
- Đại tá - nhà văn NGUYỄN MINH NGỌC: Viết về các danh nhân, danh tướng, văn nhân và võ tướng thật sự là một thử thách không hề nhỏ, bởi họ đã quá nổi tiếng. Nhưng tôi vẫn gắng tìm cho mình một góc nhìn và lối đi riêng, tránh giẫm lên vết chân của người khác. Ví như cụ Thượng Trứ là một danh nhân mà tài và tình đều hơn người. Mặc dầu nghiệp đèn sách cũng như con đường hoạn lộ “ba chìm bảy nổi”, nhưng cụ vẫn không chút ưu phiền, vẫn “ngất ngưởng” sống. Hoặc như với cụ Đồ Chiểu, thì đúng là ngọn Thái Sơn cao vòi vọi. Tuy bị mù lòa, nhưng cụ vẫn một lòng “sống thờ vua, thác cũng thờ vua” và hơn hết, là đau đáu nỗi đau của dân, của nước trước họa xâm lăng.
Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc. Ảnh: HUỲNH VĂN TRUYỀN
Tôi chỉ viết về những người mà tôi hiểu và kính trọng, cũng như có chút ít kỷ niệm riêng. Ở đây không có “động cơ” nào ngoài tấm lòng! Nhưng cảm hứng cũng đóng vai trò rất quan trọng. Khai thác lại các nhân vật này, tôi chỉ mong ước bạn đọc, nhất là lớp trẻ hãy yêu thương, gắn bó hơn với lịch sử dân tộc thông qua các bài học của tiền nhân.
- Có một điểm chung là cả 22 nhân vật của ông đều không còn tại thế. Đây có phải tiêu chí đầu tiên của ông cho tập sách lần này?
- Không phải. Mấu chốt là nhờ có độ lùi về thời gian, tôi có dịp đào xới và thu thập được nhiều, so chiếu nhiều thứ, nhất là tránh cảm tính phiến diện. Ví như nhà văn Nguyễn Thi, tôi đọc văn ông thuở còn học ở trường làng. Yêu ngôn ngữ, yêu chất Nam bộ trong văn phong của ông, yêu tấm lòng cũng như sự giằng xé sáng tạo của một nhà văn gắn bó và dâng hiến đời mình cho mảnh đất Thành đồng Tổ quốc. Tôi khẳng định, những văn nghệ sĩ như Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân… giá Nhà nước có truy phong hai lần Anh hùng vẫn xứng đáng!
- Viết về những người đã khuất, thông thường sẽ chỉ có thể dựa vào giai thoại, tư liệu từ sách, báo, hồ sơ. Không được tiếp cận nhân vật trực tiếp, điều này có khiến những bài bút ký của ông thiếu sinh động?
-Vâng, đúng vậy. Nhưng khi cầm bút, tôi luôn nhắc mình cẩn trọng, tuyệt đối không hư cấu. Đặc biệt, không được tin một chiều vào những gì đã công bố, mà tìm cho ra lối đi riêng của mình. Nhiều trường hợp, tôi tiếp cận và có những kỷ niệm riêng với họ. Từ đó, lần theo ký ức mà dựng lại. Ví như, với nhà thơ Giang Nam, tôi có 25 năm sống ở Nha Trang, nên rất hiểu về ông. Và nếu không nhầm, thì tôi là người duy nhất phát hiện ra nguyên do ông lấy bút danh Giang Nam? Hoặc nhà thơ kiêm dịch giả Đào Xuân Quý, ngày ở Nha Trang, nhà tôi chỉ cách ngõ nhà ông chừng 200m, và ông thương tôi như con cháu, tin cậy, chia sẻ nhiều điều từ văn chương đến cuộc sống!
- Ở phương diện của một người viết văn, ông ấn tượng với văn nhân nào, và ai là người có ảnh hưởng nhiều đến văn nghiệp của ông?
- Trước tiên là nhà văn Kim Lân - ông viết không nhiều, nhưng Làng, rồi Vợ nhặt hay đến mức kinh điển! Thật may, khi mới chập chững đến với nghiệp văn, tôi may mắn được nhà văn Kim Lân đọc bản thảo đầu tiên, khi ra Hà Nội dự trại viết năm 1984. Có thể nói cụ Kim Lân chính là “người thầy đầu tiên” của cậu học trò bé nhỏ, khờ khạo là tôi lúc đó. Thứ đến, nhà thơ Xuân Sách. Từ cuối năm 1975, đơn vị tôi đóng cạnh nhà ông ở Hiệp Hòa, Hà Bắc (nay thuộc Bắc Giang). Đây là thành viên đầu tiên của Nhà số 4 Lý Nam Đế (tạp chí Văn nghệ Quân đội) mà tôi được tiếp cận. Dẫu chưa bao giờ ông bày vẽ phải viết thế này, thế nọ nhưng tôi luôn coi ông là bậc sư phụ của mình.
- Cùng với truyện ngắn và tiểu thuyết, thì bút ký cũng là thể loại đáng kể trong sự nghiệp sáng tác của ông. Với ông, yếu tố nào làm nên thành công cho một bài bút ký?
- Vâng, tôi luôn là người chậm chạp và có phần lười biếng đến sốt ruột. Cứ nhẩn nha viết, không bao giờ “thấy người đào khoai, mình cũng vác mai ra đào” cả. Luôn trân trọng với tất cả các thể tài, không “nhất bên trọng, nhất bên khinh”. Khi cầm bút, tôi luôn nhớ đến sự nghiêm cẩn của các bậc thầy, người anh trên văn đàn, cẩn trọng trong từng câu chữ, không viết lấy được. Với bút ký, tôi trộm nghĩ, trước tiên phải có xúc cảm. Thứ đến, phải là địa tầng văn hóa, đây chính là hồn cốt của thể ký. Cốt lõi vẫn là tư tưởng và đậm chất thơ. Bởi vậy, học hỏi không bao giờ thừa, phải đọc và học lời ăn tiếng nói, đào sâu văn hóa vùng miền, có am hiểu thì mới cầm bút.
- Thực tế cho thấy, số người được “chỉ mặt đặt tên” với thể loại bút ký không nhiều. Ông nghĩ sao về thể loại có vẻ kén người viết lẫn người đọc này?
- Ký là một thể loại mà không ít người quan niệm chưa đúng về vị thế. Bút ký cũng tựa như thơ lục bát vậy, dễ viết nhưng khó hay. Lực lượng viết ký đông lắm, nhưng đây là thể loại kén người viết và cả bạn đọc. Tất nhiên, không có thể loại nào “dễ xơi” cả! Nhưng dễ gì quên được một Sông Đà của Nguyễn Tuân, hoặc Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường, hay Cà Xèng chon von và Luận chứng của một tâm hồn đa cảm của Nguyễn Quang Hà? Bởi vậy, tôi vẫn mong một cái nhìn đa chiều và công bằng hơn với thể loại này.
“Tôi đến với văn chương khá muộn và ngờ nghệch. Càng đi, càng nhiều nỗi suy tư lo nghĩ. Nghiệp văn đưa lại hạnh phúc, đó là được trải tấm lòng chân thật trên trang viết. Và cũng có nhiều nỗi buồn rất khó gọi tên, nhưng như cụ Nguyễn Du nói: “Đã mang lấy nghiệp vào thân…”, nên cứ an nhiên sống và viết. Đến bây giờ, tôi vẫn ao ước giữ được sự háo hức như thuở nào khi ngồi trước trang viết”, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc chia sẻ.
HỒ SƠN thực hiện