Tại buổi làm việc của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà với hai đại học quốc gia sáng 6/9, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết mỗi năm, ngành Công nghệ thông tin và Công nghệ số trong nước cần 150.000 kỹ sư. Tuy nhiên, số lượng hiện mới đáp ứng khoảng 60%. Riêng ngành công nghiệp bán dẫn cần 10.000 kỹ sư, nhưng chỉ đáp ứng được dưới 20%.
Ông đề nghị Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP HCM xem đây "vừa là thị trường, vừa là trách nhiệm quốc gia về đào tạo nhân lực số".
Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng của ngành sản xuất chip và linh kiện bán dẫn. Theo công ty nghiên cứu Technavio, thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam dự kiến tăng 1,65 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2025, với tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5% mỗi năm.
Những năm qua, một số tập đoàn lớn của thế giới đã đã đầu tư sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam như Intel, Samsung, Synopsys. IPV, nhà máy chip của Intel tại Việt Nam đã xuất xưởng 3,5 tỷ sản phẩm, đạt doanh thu xuất khẩu 11,5 tỷ USD năm 2022. Samsung vào tháng 3 cho biết đã tăng vốn vào nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại tỉnh Thái Nguyên, đồng thời đang nghiên cứu đầu tư sản xuất lưới bóng chip bán dẫn, thử nghiệm vào tháng 5 và chính thức đi vào sản xuất từ tháng 11/2023.
Trong khi đó, việc tự sản xuất chip tại Việt Nam cũng bắt đầu đạt một số bước tiến. Giữa tháng 4, FPT công bố thiết kế và sản xuất ba dòng chip nguồn và có hợp đồng cung cấp chip đầu tiên cho đối tác với quy mô 25 triệu chip, dự kiến xuất khẩu vào năm 2024-2025. Trước đó, tháng 8/2022, Viettel đề xuất tham gia nghiên cứu, sản xuất chip phục vụ nhu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu.
"Sự gia tăng về nhu cầu tiêu dùng là nguyên nhân trực tiếp giúp các nhà máy bán dẫn ở Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian qua", Technavio nhận định. Dù có nhiều tiềm năng, đơn vị này đánh giá một trong những rào cản lớn nhất hiện nay là thiếu lao động có tay nghề cao.
Theo ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM, hiện Việt Nam có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. Trong đó, phân bổ nhân lực tập trung nhiều nhất tại TP HCM (85%), Hà Nội (8%) và Đà Nẵng (7%).
Hiện nay, một số trường đại học có đào tạo về công nghệ bán dẫn như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, trường Đại học Công nghệ Thông tin, Bách khoa (Đại học Quốc gia TP HCM).
Cũng tại sự kiện, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết các doanh nghiệp số đang được thúc đẩy để vươn ra thế giới, chinh phục thị trường toàn cầu và biến Việt Nam trở thành trung tâm chuyển đổi số toàn cầu. Điều này sẽ tạo ra thị trường nhân lực công nghệ số.
"Bộ sẽ tạo ra sự gắn kết của gần 70.000 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam với hai đại học quốc gia, kêu gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư vào các trung tâm IoT (Internet of Things) của hai đại học quốc gia", ông nói.
Để thúc đẩy việc đào tạo nhân lực, đại diện Bộ sẽ đưa ra báo cáo hàng năm về nhu cầu nhân lực ngành Công nghệ thông tin và Công nghệ số để hỗ trợ hai đại học quốc gia và các trường khác. Đồng thời, Bộ cũng sẽ tạo ra nhu cầu về nhân lực số thông qua thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển công nghiệp bán dẫn.
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ trình Chính phủ chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn trong năm nay, đồng thời đề xuất một số chính sách thí điểm phát triển công nghệ số tại đại học quốc gia như phòng thí nghiệm quốc gia hiện đại do nhà nước đầu tư, sau đó giao đại học quốc gia vận hành.
Lệ Nguyễn