Chủ nhật, 24 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Nhật có thể khiếu nại Trung Quốc lên WTO vì lệnh cấm nhập hải sản

Thứ ba, 05/09/2023 | 13:59
[G-News24/7] -

Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi hôm nay nói với phóng viên rằng Nhật Bản sẽ thực hiện những hành động cần thiết theo nhiều hướng khác nhau để phản đối việc Trung Quốc áp lệnh cấm nhập khẩu hải sản, trong đó có khuôn khổ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Theo Bộ trưởng An ninh Kinh tế Sanae Takaichi, việc nộp đơn khiếu nại lên WTO có thể được thực hiện nếu biện pháp phản đối qua con đường ngoại giao không hiệu quả.

Trung Quốc áp lệnh cấm nhập khẩu thủy hải sản có nguồn gốc từ toàn bộ tỉnh thành của Nhật sau khi Tokyo ngày 24/8 bắt đầu xả 1,34 triệu tấn nước thải hạt nhân đã qua xử lý ra biển. Đây là lượng nước dùng để làm mát lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima trong thảm họa kép động đất và sóng thần hồi tháng 3/2011.

Tokyo và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế khẳng định kế hoạch xả thải an toàn và nồng độ tritium trong nước thải không gây hại cho con người, song động thái này vấp phải sự phản đối quyết liệt từ Trung Quốc. Bắc Kinh cho rằng lệnh cấm nhập hải sản nhằm "ngăn chặn rủi ro an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng Trung Quốc và đảm bảo an toàn cho thực phẩm nhập khẩu".

33tw78k-highres-1693296969-6945-1693297091.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=2FLzcWXOdYMjEtxTLNP7Gg

Người phụ nữ xem thực đơn một nhà hàng Nhật Bản ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 29/8. Ảnh: AFP

Năm ngoái, Nhật Bản xuất khẩu hải sản trị giá 87,1 tỷ yên (600 triệu USD) sang Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của nước này. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản năm 2022 đạt gần 100 nghìn tỷ yên (hơn 685 tỷ USD).

Phát biểu của quan chức Nhật Bản được đưa ra trong bối cảnh các doanh nghiệp và cơ sở công cộng nước này tiếp tục nhận được cuộc gọi quấy rối từ số điện thoại có mã quốc gia +86 của Trung Quốc. Nhiều người gọi tới các cơ quan chính quyền, doanh nghiệp, trường học ở Nhật để phàn nàn về việc xả nước thải Fukushima.

Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản ngày 29/8 nói rằng họ đã nhận được 225 báo cáo về các cuộc gọi quấy rối. Chính phủ đang tìm kiếm sự trợ giúp từ các công ty viễn thông để chặn những cuộc gọi này.

"Thật đáng tiếc và đáng lo ngại về số lượng lớn cuộc gọi quấy rối có thể đến từ Trung Quốc", Bộ trưởng Thương mại Yasutoshi Nishimura nói, thêm rằng chính phủ đang thu thập thông tin về phong trào tẩy chay sản phẩm Nhật Bản tại Trung Quốc và sẽ làm việc với các lãnh đạo doanh nghiệp để giải quyết tình hình.

Trung Quốc hiện chưa phản hồi về những thông tin này.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 27/8 đăng thông báo trên website kêu gọi công dân nước này ở Trung Quốc tránh nói tiếng Nhật quá lớn, chú ý quan sát xung quanh nếu đến đại sứ quán hoặc lãnh sự quán. Công dân Nhật Bản tại Trung Quốc cũng được khuyến cáo tránh xa bất kỳ cuộc biểu tình nào phản đối việc Tokyo xả nước thải ra biển và không chụp hình những sự kiện này.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng kêu gọi Bắc Kinh nhanh chóng có hành động thích hợp, đảm bảo an toàn cho công dân Nhật Bản.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm nay nói rằng Bắc Kinh "luôn bảo vệ sự an toàn, quyền và lợi ích hợp pháp của người nước ngoài ở Trung Quốc theo luật pháp".

Huyền Lê (Theo Reuters, AFP)

g-news247