Một tháng nay, Bệnh viện Nhi trung ương tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhi mắc sốt xuất huyết, tăng 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó nhiều trường hợp tái mắc. Như bé trai 8 tuổi, ở Mỹ Đình, từng bị sốt xuất huyết cách đây 4 năm, lần này tái mắc với các biểu hiện nặng như sốt cao liên tục, có chấm xuất huyết trên da, sau đó huyết áp tụt, tiểu cầu giảm, men gan tăng. Bệnh nhi diễn tiến nặng, nằm viện điều trị hai tuần mới ổn định.
Không chỉ sốt xuất huyết, hiện Hà Nội xuất hiện dịch viêm kết mạc cấp, hay còn gọi là đau mắt đỏ. Thống kê tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Hà Nội, trung bình mỗi ngày tiếp nhận 20-30 bệnh nhân tới khám do đau mắt đỏ, trong đó 5-7 trường hợp gặp biến chứng nặng. Còn tại Bệnh viện Mắt trung ương, số bệnh nhân đến khám trong tháng 8 tăng gấp gần hai lần so với tháng 6.
Bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt trung ương, cho biết đau mắt đỏ là bệnh lành tính, chữa được, ít di chứng. Tuy nhiên, khoảng 10-15% gặp các biến chứng như viêm giác mạc, viêm loét giác mạc, thường xảy ra ở người có sức khỏe yếu, người già, trẻ nhỏ.
Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội ghi nhận trung bình 40-50 ca mắc tay chân miệng/tuần trong thời gian gần đây. Ngoài ra, Hà Nội cũng có gần 2.000 ca thủy đậu, tăng gần 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Thời gian này, học sinh quay lại trường học, trùng với thời điểm bệnh tay chân miệng tăng mạnh, nguy cơ bùng dịch.
Ngày 12/9, PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đánh giá trong gần hai năm trở lại đây, sau khi kết thúc giãn cách xã hội, tỷ lệ trẻ em mắc bệnh nhiễm trùng tăng nhiều hơn, ghi nhận nhiều ca tăng nặng. Mặt khác, thời gian xuất hiện bệnh không tuân theo quy luật thông thường, diễn tiến kéo dài hơn.
Lý giải điều này, bác sĩ Thúy cho rằng đây là hậu quả của tình trạng "nợ miễn dịch", để lại một khoảng trống lớn chưa được "bù đắp". Do đó, khi hệ miễn dịch "va chạm" với các loại virus, vi khuẩn "quen mặt" như tay chân miệng, thủy đậu, sốt xuất huyết..., khiến trẻ có nhiều phản ứng dữ dội, sốt cao, triệu chứng nặng hơn.
Bình thường, khi tiếp xúc các loại vi khuẩn, virus cũng là cơ hội để hệ miễn dịch của trẻ tăng hoạt động, sinh các kháng thể chống lại các tác nhân gây bệnh. Nợ miễn dịch là hiện tượng xảy ra do trẻ không được tiếp xúc với vi khuẩn và virus một cách thường xuyên.
"Đầu năm học, trẻ dễ gặp tình trạng ốm vặt nhiều do các em nghỉ hè 2-3 tháng liên tục, không tiếp xúc nơi đông người, khi quay trở lại trường học sẽ dễ bị bệnh hơn", bác sĩ Thúy nói.
Vì vậy, chuyên gia khuyến cáo cha mẹ cần nhân đôi đề kháng để bù đắp kịp thời khoảng trống miễn dịch cho trẻ bằng chế độ dinh dưỡng đảm bảo đầy đủ 4 nhóm thực phẩm là đạm, đường bột, chất béo và chất xơ. Tăng cường thực phẩm giàu vi chất kẽm, sắt có trong thịt bò, tôm, cua, ghẹ, gan động vật và thực phẩm giàu vitamin A, C, E... như cam, quýt, bưởi, các loại rau xanh.
Trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt từ 6 tháng đến 2 tuổi, là thời gian có nguy cơ thiếu bộ đôi vi chất kẽm, sắt cao, đặc biệt là thiếu cùng nhau, do đó cha mẹ cần chú ý chủ động bổ sung kẽm sắt đủ nhu cầu. Lưu ý, bổ sung vi chất dinh dưỡng nên kéo dài vài tuần đến vài tháng, đều đặn, ít nhất đến khi hệ miễn dịch của trẻ hoàn thiện.
Ngoài ra, cần đảm bảo môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát. Tuyệt đối không hút thuốc lá, đặc biệt gia đình có trẻ nhỏ. Dạy trẻ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, cho ngủ sớm và đủ giấc. Tăng cường thời gian và tần suất vui chơi vận động ngoài trời để hệ miễn dịch có cơ hội phát triển.
Lê Nga